Kêu gọi đầu tư tiền ảo phải chịu trách nhiệm

Ông Diệp Khắc Cường, người bị tố là người đồng sáng lập Công ty cổ phần Modern Tech (công ty kinh doanh tiền ảo) cùng với 6 người khác lừa đảo, chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư lên tiếng khẳng định không liên quan đến vụ việc này. 
Người bị tố cáo là nạn nhân?!
Ông Diệp Khắc Cường được biết là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển mạng lưới hữu nghị (FNC), hoạt động trong lĩnh vực giải trí, làm đẹp, thời trang, công nghệ kỹ thuật số.
Trước đó, ông Diệp Khắc Cường cùng 6 người khác bị nêu tên trong đơn kiện của các nhà đầu tư đã rót vốn vào đồng tiền ảo Ifan và Pincoin do Công ty CP Modern Tech phát hành, sau đó các nhà đầu tư bị mất sạch vốn. Ông Cường cũng là một trong những người bị in hình trên băng rôn và bị các nhà đầu tư căng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) ngày 8-4 để cầu cứu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, giải quyết. 
Kêu gọi đầu tư tiền ảo phải chịu trách nhiệm ảnh 1 Ông Diệp Khắc Cường phân bua vô tội và cũng là nạn nhân của Công ty CP Modern Tech. Ảnh: Zing.vn
Trong đơn tố cáo, ông Diệp Khắc Cường bị nêu tên với vai trò là người sáng lập Ifan, cùng với 6 cá nhân khác, gắn mác dự án từ Singapore, nhằm mục đích tạo lòng tin với các nhà đầu tư và nhằm trốn tránh luật pháp Việt Nam. Sau đó, công ty này đứng ra huy động vốn hứa hẹn trả lãi suất lên tới 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng và khi giới thiệu thêm được người mới sẽ nhận thêm hoa hồng 8%. Nhóm Công ty Modern Tech đã thu hút được khoảng 32.000 người chơi tham gia. Tổng số tiền huy động lên đến khoảng 15.000 tỷ đồng.
Theo một số nhà đầu tư tiền ảo Ifan, những người cầm đầu trong đường dây có rất nhiều chiêu để thu hút người chơi. Cụ thể, họ thường xuyên tổ chức nhiều đợt giới thiệu ở những trung tâm sự kiện hoành tráng và mời những ca sĩ nổi tiếng, người nổi tiếng đến dự. Cứ sau mỗi sự kiện, giá bán Ifan lại được nâng lên.
Thấy giá càng lúc lên cao và nghe diễn giả có tên tuổi giới thiệu nhiều người đã bị thu hút và bỏ tiền thật mua tiền ảo. Cho đến khi người chơi sở hữu lượng đồng Ifan lớn thì họ đổi hình thức trả thưởng và quy ra Ifan với giá 5 USD/Ifan, cao hơn gấp 500 lần giá trị thật. Có những nhà đầu tư chỉ đầu tư tiền ảo qua lời kể của người khác và tin tưởng vì sự góp mặt của những người nổi tiếng. Những buổi hội thảo lớn có cả ông Diệp Khắc Cường, Đỗ Hữu Lợi… cũng nói rằng đầu tư dự án này mang lợi nhuận cao.
Theo bà N.: “Do tin tưởng những người nổi tiếng nói chắc chắn có lợi nhuận cao nên tôi tham gia”.
Ngày 10-4 và ngày 11-4, ông Diệp Khắc Cường lên tiếng phân bua mình vô tội, không liên quan vụ lừa đảo này. Ông này cũng khẳng định mình là nạn nhân của công ty nói trên (?!).
Theo những tài liệu PV thu thập được, tại các buổi hội nghị lớn đều có mặt của ông Diệp Khắc Cường với vai trò là người diễn giả. Tại đây, ông Diệp Khắc Cường khẳng định: “Giá trị của APP (ứng dụng trên điện thoại thông minh - PV) này tỷ lệ thuận với hợp đồng ca sĩ, hợp đồng ca sĩ tỷ lệ thuận với lượng fan hâm mộ. Tại vì mỗi ca sĩ có vài triệu fan, fan càng đông, số lượng download (APP - PV) ứng dụng càng nhiều thì giá trị tăng tưởng của những thứ chúng ta đầu tư tăng lên. Tôi chứng minh cho anh chị thấy chúng tôi đang làm gì, ngày 7-10-2017 tổ chức họp báo công bố Vfan hợp tác với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, một buổi họp báo hoành tráng nhất từ trước đến nay. Do chính đạo diễn Trần Duy Mỹ, đạo diễn riêng của Đàm Vĩnh Hưng dàn dựng cho chúng ta. Đồng thời ra mắt chính thức Đàm Vĩnh Hưng ký kết sử dụng APP của Vfan”.
Có thể bị truy cứu hình sự 
Ông Diệp Khắc Cường giãi bày: “Mặc dù chưa có văn bản nào thỏa thuận được ký kết giữa chúng tôi và Ifan nhưng Ifan đã dùng uy tín của tôi và Công ty FNC chào mời các nhà đầu tư nhằm huy động vốn. Do không biết công ty này có dấu hiệu lừa đảo nên năm 2017 tôi có tham dự 2 buổi nói chuyện giới thiệu về các dự án và hoạt động của FNC theo lời mời của Ifan” (?!).

TPHCM chỉ đạo công an vào cuộc vụ tiền ảo đa cấp

“Giao Công an TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp và khẩn trương báo cáo đề xuất UBND TPHCM”, Văn phòng UBND TPHCM vừa có văn bản khẩn truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, chỉ đạo như trên.
Theo Văn phòng UBND TP, ngày 8-4, trên các trang thông tin mạng xã hội đã đăng tải các thông tin liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp. Nội dung đề cập đến việc Công ty cổ phần Modern Tech huy động hơn 15.000 tỷ đồng. Công văn của Văn phòng UBND TP nhắc lại chỉ đạo của UBND TP vào cuối năm 2017 về công tác phối hợp quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, UBND TP khẳng định các loại tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. UBND TP cũng yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Việc này nhằm hạn chế tối đa những rủi ro bất lợi ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp cũng như để đảm bảo an ninh, an toàn về hoạt động tiền tệ. 
KIỀU PHONG
Ông Cường cũng cho biết, nhóm Ifan và Công ty Modern Tech đã huy động rất nhiều tiền của nhà đầu tư và không thực hiện một dự án nào như thỏa thuận ban đầu. Họ còn thành lập một công ty khác để tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều người.
Theo luật sư Huỳnh Công Thư, Giám đốc Công ty Dân Luật, “tiền ảo” không được pháp luật thừa nhận và việc giao dịch tiền ảo đã bị cấm theo Nghị định 96/2014 của Chính Phủ. Do đó, mọi giao dịch liên quan đến tiền ảo đều là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng và có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 205 Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.
Đối với hoạt động thu hút nhà đầu tư, luật sư Huỳnh Công Thư phân tích, những nghệ sĩ khách mời, diễn giả tham gia vào các buổi thuyết trình để làm cho không khí thêm sôi động hoặc dùng hình ảnh của mình để ký hợp đồng tham gia góp vui, lấy tiền công mà không biết đến mục đích thật sự của các hoạt động này nhằm lừa đảo và không thống nhất ý chí với công ty về lừa đảo khách hàng thì họ chỉ là nạn nhân.
Ngược lại, nếu họ biết rõ công ty này là lừa đảo và tự nguyện tham gia, dùng hình ảnh và danh tiếng của mình phục vụ cho việc lôi kéo khách hàng, chiêu dụ khách hàng tin tưởng và giao tiền đầu tư cho công ty thì có thể bị truy cứu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức đắc lực. Do đó, họ phải chịu trách nhiệm hình sự và phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường về mặt dân sự cho các nạn nhân.

Tin cùng chuyên mục