Cùng với đó, nhu cầu tài chính nhằm triển khai công tác bảo vệ môi trường ngày càng tăng cao, trong khi nguồn ngân sách nhà nước có hạn, sức ép trần nợ công tăng lên và các nguồn hỗ trợ quốc tế giảm dần…
Trong khi đó, nguồn thu chi cho công tác bảo vệ môi trường nước ta vẫn còn mất cân đối, nguồn chi luôn lớn hơn nguồn thu. Việt Nam đã mở cửa thị trường cho mọi thành phần kinh tế tham gia cung ứng các dịch vụ môi trường, trong đó chú trọng đến thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhằm bù đắp các khoảng thiếu hụt nguồn lực trong nước. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho công tác bảo vệ môi trường chủ yếu thông qua nguồn vốn hỗ trợ (ODA) và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Cho đến nay, Việt Nam đang là điểm đến thu hút lượng lớn vốn FDI nhờ thành quả của chính sách đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam được đánh giá là địa điểm tiềm năng cho các nhà đầu tư quốc tế nhờ sự ổn định về chính trị và tăng trưởng kinh tế nhanh.
Nguồn vốn ODA và FDI có tăng qua các năm, nhưng vẫn còn rất nhỏ so với tổng nhu cầu vốn cho công tác bảo vệ môi trường. Với nguồn ngân sách hạn hẹp, chúng ta đã phải huy động vốn từ nhiều nguồn để đáp ứng các nhu cầu cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Để thu hút được nguồn vốn đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường, Việt Nam sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, giảm giấy phép con và hướng tới hỗ trợ nhà đầu tư, thay vì chính sách ưu đãi thuế như hiện nay. Đồng thời, công khai minh bạch trong cơ chế giá, thông tin, quy hoạch dịch vụ môi trường.