Dù thời hạn xét tuyển NV3 còn 3 ngày nữa mới khóa sổ nhưng nhiều trường, nhất là các trường đại học địa phương đang lao đao vì thiếu người học trầm trọng. Có trường cần đến gần 1.800 chỉ tiêu nhưng chỉ nhận được 140 hồ sơ, có những ngành cần hơn 100 chỉ tiêu nhưng vỏn vẹn vài ba hồ sơ đăng ký. Như vậy kỳ tuyển sinh năm nay khép lại với hàng loạt vấn đề phức tạp và liệu sẽ tái diễn ở kỳ tuyển sinh “3 chung” năm 2012?
Địa phương khóc ròng
Thời hạn xét tuyển NV3 sắp kết thúc nhưng ĐH Đà Lạt mới nhận được 116 hồ sơ/1.454 chỉ tiêu cần tuyển. Điển hình là ngành văn hóa học, ngành Việt Nam học cần tuyển gần 150 chỉ tiêu nhưng không có hồ sơ nào nộp vào, công nghệ điện tử - truyền thông 3/112 chỉ tiêu)… Trong tổng số 21 ngành xét tuyển NV3, chỉ có ngành ngôn ngữ Anh đạt lượng hồ sơ cao nhất 15/20 chỉ tiêu, kế đến là ngành kế toán 11/33 chỉ tiêu, ngành toán 10/99 chỉ tiêu. Với thực tế này, dù chưa kết thúc NV3 nhưng khả năng hàng loạt ngành thiếu người học và dẫn đến đóng cửa là rất lớn.
Tương tự, tại phía Bắc, ĐH Thái Nguyên với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc nhưng lượng hồ sơ xét tuyển NV3 so với chỉ tiêu như muối bỏ biển. Tổng chỉ tiêu xét tuyển NV3 của các trường thành viên của ĐH Thái Nguyên lên đến gần 1.800 nhưng đến nay mới nhận được có 140 hồ sơ, như: ĐH Kỹ thuật Công nghiệp chỉ có 54/930 chỉ tiêu cần tuyển. Trong đó, nhóm ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp cần tuyển đến 180 chỉ tiêu nhưng chưa có hồ sơ nộp vào, nhóm ngành kỹ thuật cơ khí cần đến 200 chỉ tiêu nhưng chỉ có vỏn vẹn 25 hồ sơ.
Khu vực phía Nam: ĐH Đồng Tháp phải tuyên bố đóng cửa 4 ngành vì không có thí sinh trúng tuyển: ĐH An Giang hệ ĐH tuyển đến 491 chỉ tiêu cho 23 ngành nhưng đến nay mới nhận được 66 hồ sơ. Trong đó, chỉ có 6 ngành có hồ sơ đăng ký gồm quản trị kinh doanh (5 hồ sơ), Kế toán (14 hồ sơ), công nghệ thông tin (2 hồ sơ), nuôi trồng thủy sản (4 hồ sơ), công nghệ thực phẩm (39 hồ sơ), công nghệ kỹ thuật xây dựng (2 hồ sơ). Đáng báo động là trong số 17 ngành không có hồ sơ đăng ký có đến 10 ngành sư phạm. Ngay cả các ngành được cho phép vận dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh như Khoa học cây trồng, Nuôi trồng thủy sản… cũng bị thí sinh chê.
Trong khi đó, nhiều trường đại học địa phương khác như ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), ĐH Quảng Nam, ĐH Phú Yên… lượng hồ sơ xét tuyển NV3 nộp vào quá ít so với chỉ tiêu cần tuyển.
Và nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, việc nhiều trường đại học từ ngưng đến khai tử ngành học là điều tất yếu. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn chính là cán cân nguồn nhân lực trong tương lai sẽ bị thiếu hụt nếu như không có phương án điều chỉnh kịp thời.
Công tư lẫn lộn
So với những mùa tuyển sinh trước, kỳ tuyển sinh năm 2011 nảy sinh hàng loạt vấn đề rối rắm mà cấp quản lý cần suy xét. Không kể đến những hạt sạn trong đề thi, đáp án, vấn đề điểm sàn là chủ đề nóng nhất ở mùa tuyển sinh năm nay. Đầu tiên, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập muốn phá vỡ phương thức chung thứ 3 (chung điểm thi) của cuộc thi “3 chung” nên đồng loạt kiến nghị một mức điểm sàn riêng cho các trường ngoài công lập. Sau một hồi căng thẳng, tranh luận nóng bỏng, cuối cùng Bộ GD-ĐT xác định mức điểm sàn bằng với điểm sàn năm 2010 (khối A, D: 13 điểm; khối B, C: 14 điểm).
Kết quả điểm thi thấp, điểm sàn không thay đổi nên hàng loạt trường, nhất là các trường đại học vùng, đại học địa phương phải khóc ròng vì thí sinh trúng tuyển NV1 ít và trông chờ xét tuyển NV2, NV3. Trong khi các trường thông báo xét tuyển NV2 thì hàng loạt trường, trong đó có cả trường mang tên quốc tế cũng được Bộ GD-ĐT ưu ái cho áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh. Chính cách làm này của bộ đã gây xáo trộn cho nguồn tuyển của nhiều trường.
Đáng nói nhất là sự cố hy hữu xảy ra tại Trường ĐH Y Dược TPHCM khi Bộ GD-ĐT ban hành công văn về việc hướng dẫn đào tạo theo địa chỉ sử dụng (ngày 11-8). Theo công văn này, Trường ĐH Y Dược TPHCM đành đánh rớt 550 thí sinh từ đậu hệ ngoài ngân sách. Và đến khi dư luận phản ứng, bộ lại gật đầu chấp thuận cho trường xác định lại điểm chuẩn để 550 thí sinh từ rớt lại thành đậu. Và cũng chính từ công văn này, bộ đã bác bỏ những thông tin về hàng loạt trường được bộ cho tuyển hệ ngoài ngân sách trong cuốn Những điều cần biết (đây được xem là pháp lệnh tuyển sinh do Bộ ban hành). Do đó, rất nhiều trường hiện nay đã né dùng từ “ngoài ngân sách” mà gộp chung với đào tạo theo chương trình chất lượng cao... dẫn đến công tư lẫn lộn.
Chưa dừng lại đó, việc Trường ĐH Hoa Sen chỉ căn cứ vào thông tin rất chung chung “thí sinh không trúng tuyển vào ngành đăng ký nguyện vọng 1 của trường được đăng ký chuyển vào ngành có điểm chuẩn thấp hơn, còn chỉ tiêu” đã chủ động “giam” hàng trăm thí sinh đủ điều kiện xét tuyển NV2, NV3. Chỉ khi thí sinh, phụ huynh khiếu kiện, trường mới chấp nhận trả 147 phiếu điểm cho thí sinh. Tuy nhiên, bộ cũng không làm đến cùng sự việc này dù biết có một lượng lớn thí sinh đã trúng tuyển vào trường bằng chiêu “xé rào” này.
Và một điều lạ nữa là dù nhiều trường địa phương tuyển sinh không có người học nhưng ở xét tuyển NV2, NV3 vẫn có một số trường thông báo xét tuyển ngành mới mở như Trường ĐH Tiền Giang, ĐH An Giang.
Thanh Minh
Cần nhìn toàn cuộc
Trước những bất cập ngày càng lớn dần của tuyển sinh “3 chung”, việc nỗ lực tìm giải pháp cải tiến tuyển sinh ĐH-CĐ là một hướng mở cần thiết cho ngành giáo dục. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia xung quanh vấn đề đổi mới tuyển sinh.
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM: Cần phải có đánh giá “3 chung”
Cải tiến tuyển sinh như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam thì việc đầu tiên phải làm là đánh giá cho hết những thành tựu cũng như bất cập của kỳ thi 3 chung để từ đó có cái nhìn toàn diện hơn.
Với năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ giảng dạy tại các cơ sở được Bộ GD-ĐT tín nhiệm dự kiến phân cấp tự chủ tuyển sinh, việc tự ra đề thi là hoàn toàn nằm trong khả năng. Nhưng rõ ràng kỳ thi tuyển sinh ĐH – CĐ liên quan đến hàng triệu thí sinh, những tác động xã hội của kỳ thi này rất lớn, do vậy trong dự thảo đề án mà ĐH Quốc gia TPHCM trình Bộ GD-ĐT xem xét, chúng tôi cũng phải có sự phối hợp với nhiều cơ sở đào tạo khác để những đổi mới đó mang tính khả thi, đặc biệt là vẫn tạo được cơ hội vào ĐH - CĐ cho những thí sinh giỏi nhất.
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Nhược điểm lớn nhất là chung kết quả
Cái được của 3 chung ai cũng có thể nhìn thấy. Ngược lại, hạn chế rõ nhất của phương thức này là ở điểm chung thứ ba “chung kết quả”. Thật sự 10 năm qua, các trường đã rất đau đầu với tình trạng thí sinh ảo nhưng không thể nào giải quyết được. Cái ảo trong 3 chung được xem là nhược điểm lớn nhất không chỉ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường mà dẫn đến tốn kém rất lớn về mặt kinh tế của toàn xã hội.
- TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: Học là phải thi
Các trường không thể không tuyển sinh nhưng việc phủ nhận hết 3 chung là cực đoan. Hơn nữa, việc thi theo phương thức mới, có thể thi nhiều đợt trong một năm sẽ phù hợp với việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Tuy nhiên, cách tuyển sinh mới cần có một sự đánh giá chung trình độ của thí sinh. Có nghĩa là kỳ thi tốt nghiệp ở bậc phổ thông phải đánh giá đúng thực lực, trình độ của thí sinh.
Thanh Hùng