Kết thúc Olympic 2016: Thể thao Mỹ bá chủ

Ngôi độc tôn của thể thao Mỹ

Vượt qua những nỗi lo về vi rút Zika, về tình trạng bất ổn kinh tế - xã hội của Brazil, về scandal thể thao Nga liên quan đến doping… cuối cùng thì Olympic Rio de Janeiro 2016 đã khép lại với những thành công vượt quá sự mong đợi. Trong suốt 18 ngày thi đấu, hơn 11.000 VĐV đến từ 207 quốc gia, vùng lãnh thổ, đoàn thể thao đã cống hiến hết sức, hết khả năng của mình để thể hiện tinh thần cao cả của Olympic là nhanh hơn – xa hơn – cao hơn, bên cạnh sự cao thượng, tinh thần thượng võ và chơi đẹp. Olympic 2016 vẫn sẽ còn được nhớ đến rất nhiều trong suốt những năm sau này…

Ngôi độc tôn của thể thao Mỹ

Không chỉ giành được số HCV nhiều nhất (với 46 HCV), thể thao Mỹ còn giành được tổng số huy chương nhiều nhất (với 121 huy chương các loại). Olympic Rio 2016 đánh giá sự thành công rực rỡ của làng thể thao xứ cờ hoa, với những gương mặt tiêu biểu như là Michael Phelps (6 HCV, bơi lội nam), Katie Ledecky (5 HCV, bơi lội nữ), Simone Biles (5 HCV, TDDC), Allyson Felix (3 HCV, điền kinh nữ)… Có tổng cộng 11 VĐV Mỹ giành từ 3 HCV trở lên và họ chính là niềm tự hào số 1 của làng thể thao Mỹ, bên cạnh những VĐV thắng các tấm huy chương khác.

Katie Ledecky (trái), Michael Phelps và Simone Biles đại diện tiêu biểu của quyền lực bá chủ Mỹ ở Rio.

Nếu như thành tích thắng 46 HCV của thể thao Mỹ là ngang bằng với thành tích của chính họ ở London hồi 4 năm trước, thì thành tích giành 121 huy chương các loại của họ trong năm nay chính là một kỷ lục kiểu… “vô tiền khoáng hậu”. Vì trước đó, số huy chương kỷ lục mà thể thao Mỹ thắng ở một kỳ Olympic đó là tại Beijing 2008 với 110 huy chương (trớ trêu thay, thể thao Mỹ lại phải xếp sau thể thao Trung Quốc vì chỉ có 36 HCV so với 51 HCV của đối thủ chủ nhà). Với khoảng cách 51 huy chương so với đoàn xếp thứ 2, đây cũng là cách biệt lớn nhất giữa một đoàn thể thao dẫn đầu bảng tổng sắp với đoàn thể thao xếp thứ nhì ở các kỳ Olympic “không bị tẩy chay” kể từ năm 1932 cho đến nay. Ở Olympic 1932, khoảng cách giữa thể thao Mỹ và đoàn thể thao xếp thứ nhì là Italia lên đến 67 huy chương.

Thất bại đau đớn của thể thao Trung Quốc

Từ vị trí độc tôn ở kỳ Olympic diễn ra ngay tại sân nhà, thể thao Trung Quốc đang “tuột hạng một cách đều đặn”. Họ chỉ xếp hạng 2 ở London 2012 (với 38 HCV, so với 46 HCV của đoàn thể thao Mỹ) và giờ đây, khi Olympic 2016 khép lại, họ đành chấp nhận vị trí thứ 3 một cách đầy đau đớn dù nhận được nhiều lợi thế khi IOC và các Liên đoàn thể thao cấm nhiều VĐV Nga tham gia Rio. Trung Quốc chỉ giành được 26 HCV, thua đoàn thể thao Anh đúng 1 tấm HCV, và như vậy cũng đã là quá đủ để họ xếp sau đoàn thể thao mà họ từng xếp trên ở London hồi 4 năm về trước, dù họ có tổng số huy chương nhiều hơn.

Thoạt nhìn, nhiều người nghĩ rằng, thể thao Trung Quốc thua thể thao Anh quốc đúng 1 tấm HCV chỉ do xui xẻo vì họ đã thắng hàng loạt HCV trong ngày thi đấu cuối cùng như ở môn taekwondo, bóng chuyền nữ, nhưng cái gì cũng có quá trình. Thất bại ngày hôm nay của Trung Quốc là một thất bại mang tính hệ thống. Đầu tiên, họ không giành được tấm HCV nào trong môn TDDC (chỉ thắng 1 HCB và 4 HCĐ), môn thể thao thế mạnh từng mang lại cho họ 5 HCV ở London, và… 11 HCV ở Beijing. Thứ hai, họ cũng không đạt được thành tích tốt nhất trong môn cầu lông. Ở London, Trung Quốc đã thắng 5/5 HCV, ở Beijing, Trung Quốc cũng thắng 3 HCV, nhưng ở Rio, họ chỉ giành 2 HCV trong các nội dung đơn nam và đôi nam, trong các nội dung thi đấu liên quan đến nữ, họ toàn thất bại. Thứ 3, họ cũng không thể giành được tấm HCV nào trong các môn thể thao đối kháng như là quyền Anh, đấu kiếm. Và cuối cùng, đó là thất bại thảm thương trong môn bơi lội, của “Vua nổ răng lởm khởm” Sun Yang, người đã vỗ ngực tuyên bố sẽ thắng tất cả nội dung tự do từ 200m trở lên nhưng thua Mack Horton ở 400m tự do và thậm chí còn không lọt đến chung kết ở cự ly 1.500m tự do, của thất bại nhãn tiền mang cái tên Ye Shiwen.

Người Nga dũng cảm

Họ đến Rio trong sự ghẻ lạnh của thế giới, nhưng bất chấp áp lực, bất chấp những điều ra tiếng vào, những sự dè bỉu và đối xử bất công, họ vẫn giành được những tấm HCV thập phần ý nghĩa, vì như những gì mà quan chức thể thao Nga từng nói trước khi Olympic 2016 khai mạc, những VĐV thể thao Nga đến Brazil chính là “những VĐV sạch sẽ nhất trần gian”. Vì bất kỳ sự gian lận nào, làm sao thoát khỏi mê cung kiểm tra và thử nghiệm mà Ban tổ chức, mà IOC, các Liên đoàn thể thao và WADA giăng ra trùng trùng điệp điệp. Đoàn thể thao Nga đã thắng 19 HCV ở Rio năm nay, đó đều là những chiến thắng đầy giá trị, rất trân quý.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục