* Kết luận phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 43 ĐB đặt câu hỏi và 14 ĐB tranh luận. Còn 5 ĐB chất vấn nhưng chưa được trả lời, 24 ĐB đã đăng ký nhưng chưa được chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sôi nổi, các ĐB đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Bộ trưởng nắm rất chắc vấn đề, thông tin được thực trạng, số liệu, minh chứng rất cụ thể, nêu rõ các tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian vừa qua và có những giải thích, lý giải về các nguyên nhân khách quan, chủ quan cho những tồn tại, bất cập, đưa ra giải pháp thực hiện và trách nhiệm của ngành cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng.
* ĐB Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre), Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nắm khá chắc lĩnh vực của mình, trả lời khá chặt chẽ, sâu sát, nắm chắc vấn đề. Nhất là vấn đề về tàu bè của ngư dân, đặc biệt là nội dung tàu sắt, Bộ trưởng đã nắm chắc các sự việc cụ thể, số liêụ về số tàu đóng mới, tàu sắt, số tàu còn phải nợ… cho thấy sự sát sao tình hình thực tế.
* ĐB Lê Công Nhường (Bình Định): Với lĩnh vực rộng như nông nghiệp thì phần trả lời ngắn này chưa thể đáp ứng đầy đủ, còn chung chung. Câu hỏi của tôi tại phiên chất vấn là vấn đề giải quyết nợ xấu cho ngư dân, lúc đầu bộ trưởng trả lời chưa rõ ràng nhưng khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời thì tôi thấy đã hài lòng. Tàu càng hiện đại, chi phí càng nhiều thì ngư dân càng thua lỗ. Cái này chúng ta phải nhìn nhận trách nhiệm, phải chuyển đổi các tàu và xử lý nợ xấu thế nào. Chứ chúng ta không thể đẩy rủi ro về phía ngư dân trong khi họ là những cột mốc sống di động trên biển. Những khó khăn của “tàu 67” sẽ phải tháo gỡ ở tầm chính phủ vì vấn đề này còn liên quan đến các lĩnh vực khác như tín dụng, cơ chế chính sách về an ninh quốc phòng.
* ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu): Tôi quan tâm đến vấn đề điện năng lượng tái tạo. Hiện chúng ta đang phát triển điện năng lượng tái tạo tương đối mạnh nhưng rõ ràng quy hoạch, phát triển điện mặt trời còn có vấn đề. Chẳng hạn như nếu các tấm pin năng lượng hết hiệu quả thì xử lý rác thải ra sao cần phải đặt ra. Tôi hy vọng trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ giải tỏa được băn khoăn này. Chất vấn như vậy là rất tốt. Tôi mong muốn tất cả các Bộ trưởng phát huy tinh thần thẳng thắn đó, trả lời trực tiếp các vấn đề ĐB đặt ra và nêu rõ được nguyên nhân, nhận trách nhiệm của ngành với tư cách bộ trưởng vì họ là “thủ lĩnh”. Ở đây vai trò của các Bộ trưởng là rất quan trọng và phải nhận trách nhiệm.
* ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM): Công thương là lĩnh vực đa dạng, bao quát nhiều lĩnh vực và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã nắm được các lĩnh vực mà mình quản lý, thẳng thắn nhìn vào những tồn tại của ngành, tiếp tục hiến kế những giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Tôi khá hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương. Tôi hy vọng những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra sẽ được thực hiện tốt trong thời gian tới.
* ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương): Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nắm các vấn đề rất sát, sâu, cụ thể, từ chủ trương đến các vấn đề đang diễn ra trong thực tế. Tôi mong Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời trực diện, rõ, thẳng vào các vấn đề ĐB quan tâm hơn để rõ hết những vấn đề mà lĩnh vực công thương đang đối mặt.
* ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM): Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành chất vấn rất linh hoạt, bảo đảm phát huy hết dân chủ, để các ĐB được đặt hết câu hỏi. Tôi cũng mong do thời gian không có nhiều nên ĐB nên hỏi thẳng, các bộ trưởng cũng cần trả lời ngắn gọn, thẳng vấn đề hơn, không cần phải cung cấp nhiều thông tin. Có một điều thú vị là dù ĐB không đặt câu hỏi nhưng vẫn được quyền tranh luận, như thế sẽ góp phần làm sáng rõ vấn đề chất vấn hơn.
* ĐB Quàng Văn Hương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La: Tôi quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực dân tộc miền núi, với thời gian không nhiều, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã cố gắng tập trung, thể hiện nắm chắc tình hình ở địa phương, như tại các tỉnh: Đắk Nông, Kon Tum, Sơn La… Phần trả lời của Bộ trưởng cũng đã cơ bản đáp ứng được mong muốn của các ĐB, nêu được những dẫn chứng thực tế. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã nắm được những khó khăn của các địa phương. Tuy nhiên, có những nội dung Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời được và có những nội dung vẫn còn chung chung, chưa đáp ứng được như giải pháp căn cơ để phát triển được nông nghiệp miền núi, như giải pháp cho khả năng tái đàn của dịch tả heo châu Phi, bởi ở khu vực miền núi bà con rất nghèo, phải vay vốn để sản xuất nên khi có dịch bệnh, họ khó có thể dễ dàng tái đàn như ở miền xuôi hay các khu vực khác…