Nhiều câu khó trong đề
Toán Cao Thị Bảo Châu, lớp 9/5, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), cho biết, đề thi môn Toán năm nay khó hơn năm ngoái. Trong đó, chỉ có 2 câu hỏi đầu tiên học sinh có thể kiếm điểm, nhưng từ câu 3 trở đi thì độ khó tăng dần. “Nhiều câu hỏi có dạng rất lạ, chưa xuất hiện trong đề thi các năm trước, em đọc nhiều lần vẫn không thể hiểu yêu cầu của đề. Các câu hỏi khó chia đều ở 2 dạng toán thực tế và toán hình học. Em đoán mình chỉ được 5-6 điểm”, Bảo Châu lo lắng.
Cùng suy nghĩ đó, Lê Xuân Quý, lớp 9/5, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), chia sẻ, số lượng câu hỏi thực tế trong đề thi Toán năm nay nhiều hơn năm ngoái. Trong đó, 2/3 câu hỏi thực tế đều ở mức độ vận dụng cao. Thí sinh này đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Bùi Thị Xuân, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Ernst Thalmann. Sau buổi thi môn Toán, em dự đoán mình chỉ trúng tuyển nguyện vọng 2 chứ không đủ điểm xét tuyển nguyện vọng 1.
Thầy Võ Thanh Quan, Tổ trưởng tổ Toán, Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12), đánh giá, với đề thi Toán năm nay, học sinh học lực khá chỉ đạt 5-6 điểm, điểm 8 trở lên sẽ không nhiều, tỷ lệ điểm thi dưới trung bình sẽ cao hơn năm ngoái. Câu 6, câu 7 có độ khó cao và ở dạng đề lạ đối với nhiều thí sinh. Các em cho biết không hiểu được yêu cầu của đề nên “bỏ trắng” 2 câu này. Ở phần Toán hình học (câu 8), nếu ôn tập kỹ kiến thức trong chương trình, thí sinh có thể làm được câu nhỏ đầu tiên, tuy nhiên câu thứ hai đòi hỏi khả năng tư duy và lập luận, riêng câu thứ ba học sinh hoàn toàn “nhận thua”.
Ở góc độ khác, thầy Đoàn Văn Tố, giáo viên Toán, Trường THCS Hồng Bàng (quận 5), đánh giá, đề thi Toán năm nay có khả năng phân hóa thí sinh, cấu trúc đề thi tương tự các năm trước. Đề thi xuất hiện một số câu hỏi chỉ cần vận dụng kiến thức cơ bản, như áp dụng công thức tính thời gian từ 2 dữ liệu là vận tốc và quãng đường. Tuy nhiên, vì công thức này đã học từ các lớp dưới nên nhiều học sinh quên, từ đó gặp khó khăn khi làm bài. Bên cạnh các câu hỏi dễ, đề thi có nhiều câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải đọc kỹ đề, phân tích dữ liệu mới xác định được hướng giải.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam, đề thi có tính phân hóa nhằm phục vụ mục tiêu tuyển sinh. “Mục tiêu của kỳ thi tuyển sinh là nhằm chọn học sinh ở từng mức độ năng lực chứ không phải kiểm tra, đánh giá kiến thức của các em. Vì vậy, đề thi khó vẫn đảm bảo yêu cầu tuyển sinh và không ảnh hưởng đến việc lựa chọn nguyện vọng của các em, bởi vì khó chung cho toàn thành phố”, ông Lê Hoài Nam cho biết. Trước đó, hội đồng ra đề đã xây dựng ma trận, xác định các mức độ kiến thức trong từng câu hỏi là ở mức độ hiểu biết hay vận dụng. Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, đề thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm của TPHCM đều có sự tăng thêm về mức độ vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn.
Điểm chuẩn có thể giảm mạnh
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), hai môn Ngữ văn và Ngoại ngữ mang đến tự tin khá cao cho thí sinh, nhưng môn Toán lại khiến nhiều thí sinh thất vọng vì không làm trọn vẹn. Trong đó, ở môn Ngữ văn, tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng không phải là một trong các tác phẩm học sinh được ôn kỹ trong chương trình.
Ngoài ra, đề 2 ở câu hỏi nghị luận văn học tuy là đề “mở” nhưng nếu thí sinh không lập luận đúng hướng thì sẽ không dễ đạt điểm cao. Với môn tiếng Anh, đề thi được nhiều thí sinh đánh giá là dễ, tuy nhiên sẽ khó có “mưa” điểm 10 như năm ngoái, phổ điểm trung bình dao động 6-8 điểm. Môn Toán có phổ điểm thi thấp nhất trong 3 môn thi. Nhìn chung, điểm chuẩn năm nay được dự báo giảm mạnh so với năm ngoái, nhất là đối với các trường tốp đầu. Cùng quan điểm, một giáo viên tổ Toán, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho biết, với mức độ phân hóa của đề thi môn Toán năm nay, phổ điểm được dự báo dao động 5-6 điểm, thấp hơn điểm bình quân của năm ngoái.
Bố trí chỗ học cho thí sinh bị chấn thương cột sống
Chiều 7-6, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, trường hợp nữ sinh bị chấn thương cột sống, phải bỏ dở môn thi cuối cùng sẽ được sắp xếp chỗ học tại một trường THPT công lập trên địa bàn thành phố, trên cơ sở vận dụng các quy định phù hợp nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho thí sinh. Trường hợp được xem xét đặc cách này là Nguyễn Thị Yến Nhi, học sinh Trường THCS Nguyễn An Ninh (quận 12). Em là học sinh giỏi nhiều năm liền ở cấp THCS. Tuy nhiên, trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, em bị tai nạn, chấn thương cột sống. Hoàn cảnh gia đình của em rất khó khăn. Bản thân em dù bị chấn thương nhưng vẫn nỗ lực ôn tập và đã hoàn thành 2 bài thi Ngữ văn và Ngoại ngữ. Ở môn thi cuối, sức khỏe của em đột ngột chuyển biến xấu nên được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu, không thể thực hiện bài thi môn Toán.
Công bố kết quả vào ngày 20-6
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, môn Toán có 320 thí sinh vắng (tỷ lệ dự thi 99,67%). Với các môn thi chuyên, toàn thành phố có 50 trường hợp vắng, tỷ lệ dự thi đạt 99,34%. Trong ngày thứ hai của kỳ thi tuyển sinh lớp 10, có 1 thí sinh vi phạm quy chế do đem điện thoại di động vào phòng thi. Sau khi kiểm tra điện thoại này, cơ quan công an xác định không có dấu hiệu làm lộ, lọt đề thi. Như vậy, thành phố ghi nhận 2 thí sinh vi phạm quy chế thi do mang điện thoại di động vào phòng thi.
Từ hôm nay 8-6, hội đồng chấm thi bắt đầu làm việc. Dự kiến, kết quả điểm thi lớp 10 được công bố vào ngày 20-6. Từ ngày 21-6 đến ngày 24-6, thí sinh và phụ huynh có thể nộp đơn phúc khảo. Ngày 24-6, Sở GD-ĐT công bố điểm chuẩn lớp 10 chuyên, tích hợp và kết quả học sinh được tuyển thẳng. Từ ngày 25-6 đến ngày 29-6, thí sinh trúng tuyển lớp 10 chuyên, tích hợp hoặc được tuyển thẳng nộp hồ sơ nhập học tại trường đã trúng tuyển, thí sinh không nộp hồ sơ nhập học sẽ bị xóa tên trong danh sách trúng tuyển. Ngày 10-7, điểm chuẩn lớp 10 của các trường THPT công lập được công bố, thí sinh nộp hồ sơ nhập học từ ngày 11-7 đến 16 giờ ngày 1-8.