Sau bài “Hãy trả em về đúng lớp” đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 16-12-2020, Báo SGGP nhận được rất nhiều ý kiến bình luận, chia sẻ của bạn đọc về bài viết. Từ đề xuất của bạn đọc, Báo SGGP Online mở Diễn đàn “Chống bệnh thành tích trong giáo dục”.
Sau gần 1 tháng mở diễn đàn, Báo SGGP Online nhận được gần 100 bài viết của bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước. Đa số bài viết là của các thầy cô hiện đang giảng dạy các cấp học phổ thông, ngoài ra có người làm công tác quản lý giáo dục và cũng không ít bài viết của phụ huynh học sinh. Do có những bài trùng lắp về ý… nên Báo SGGP Online chỉ đăng gần 40 bài viết trên diễn đàn.
Diễn đàn đã có sức lan tỏa không chỉ đến đông đảo đội ngũ những người đang làm công tác giảng dạy, quản lý giáo dục, phụ huynh… mà còn làm nhức lòng những đại biểu quốc hội, những người đã và đang góp phần xây dựng chính sách, pháp luật cho giáo dục.
Ngày 8-1-2020, Báo SGGP Online đã thực hiện bài phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - một trong những người có tiếng nói mạnh mẽ trong đấu tranh chống bệnh thành tích, bệnh giả dối trong giáo dục với những ưu tư, trăn trở của ông với căn “bệnh” thành tích trong giáo dục.
Tiếp đó, ngày 13-1-2020 Báo SGGP Online tiếp tục đặt vấn đề này với TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - người cách đây nhiều năm đã lên tiếng về căn bệnh thành tích trong giáo dục, và được ông chia sẽ nhiều giải pháp trong đó căn cơ nhất vẫn là ý thức của mỗi cá nhân.
Đến nay, Báo SGGP Online vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều bài viết của bạn đọc gửi đến diễn đàn. Xã hội luôn vận động và phát triển, trong quá trình đó, việc hình thành, tiếp nhận cái mới, khắc phục những khiếm khuyết của cái cũ là đòi hỏi tất yếu. Cả xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng muốn phát triển phải thi đua, đổi mới, lập thành tích. Vấn đề là làm sao có được thành tích thật, thể hiện đúng thực chất của thành tích đó.
Không thể phủ nhận, những năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc đào tạo ra những nhân tài cho đất nước, ươm mầm sáng tạo cho nhiều thế hệ và chính họ đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, từ chủ quan đến khách quan dẫn đến việc thi đua lập thành tích trong ngành giáo dục có lúc, có nơi bị hiểu sai và làm chưa đúng. Thành tích nên được xem là động lực để phấn đấu chứ không nên xem là mục đích phải đạt được bằng mọi cách.
Gần 40 bài viết trên diễn đàn đã phân tích khá toàn diện, thẳng thắn các khía cạnh về “thành tích” trong ngành giáo dục. Làm sao để thành tích đi vào thực chất hơn.
Mặc dù bạn đọc vẫn đang tiếp tục gửi bài viết đến diễn đàn, nhưng đa số đều trùng lắp ý với các bài đã đăng. Do đó, Báo SGGP Online xin khép lại diễn đàn, xin chân thành cảm ơn bạn đọc đã có những ý kiến đóng góp, bài viết tâm huyết với mong muốn ngành giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển hơn nữa, tất cả vì sự nghiệp trồng người, vì tương lai phồn vinh và phát triển của đất nước.
Bạn đọc có thể đọc lại những bài viết của diễn đàn trên trang giáo dục của Báo SGGP Online.