Kết thúc cuộc thi viết Tết nay - Tết xưa: Dặm dài ôn cố tri tân

Tựa như chuyến tàu lặng lẽ giữa nhịp đời hối hả, sau gần 2 tháng, cuộc thi viết Tết nay - Tết xưa do Báo SGGP điện tử tổ chức đã dừng lại hành trình. Tải nặng những tâm tình bằng con số gần 700 bài viết dự thi, chuyến tàu này mở ra bao suy ngẫm về đời người, cuộc sống.

Người xưa đâu xa vắng

Điểm chung của hầu hết các bài dự thi là được viết bởi những tác giả đã “trưởng thành”, ít nhiều nếm trải thăng trầm trong cuộc sống. Tham gia cuộc thi, mỗi người được ngồi lại với chính mình, lắng lòng, hồi tưởng chuyện ngày xưa - ngày nay. Sự khắc nghiệt của thời gian trong ký ức người trưởng thành có lẽ không gì lớn lao bằng sự mất mát và cảm giác thiếu vắng những người, những điều đã từng yêu thương, gắn bó và trân trọng. Vì lẽ đó, tết là đoàn viên, được ở cạnh người thân, nên tết cũng man mác tiếc nhớ, thậm chí rứt ray, nhức nhối của rất nhiều tác giả, khi bây giờ đã không còn họ ở bên mình.

“Mới đó, mẹ ra đi nhẹ như một áng mây rong chơi cuối trời. Anh ngoài 45 tuổi vẫn như đứa trẻ vô tư với con heo đất được mẹ đi chợ tết, mua cho bỏ tiền lì xì rồi bất chợt rơi vỡ, cứ ôm mãi mảnh vỡ và òa khóc…” - trích bài Ngọt ngào trong tết Huế: “Bí mật” của miền thương nhớ. Hoặc “Cuộc sống bây giờ đã thay đổi nhiều, tết cũng đủ đầy nhưng lòng tôi vẫn không nguôi nhớ về tết cũ. Nhớ những ngày thơ bé cùng ông xếp dọn bàn thờ, nghe ông giảng giải những điều về tết. Tôi lại ước mình trở về ngày ấy, làm chú bé hưởng cái tết nghèo mà ấm áp hơi ấm tình thương” - trích bài Tết nhớ ông nội

cn3-a-7131.jpg
Bạn đọc xem những bài tham gia cuộc thi viết Tết nay - Tết xưa

Hoài niệm tết xưa không chỉ nhớ về những dáng hình thương quen, với nhiều tác giả còn là sự sống dậy của muôn vàn kỷ niệm từ gia phong, tục lệ đến kỷ vật, thói quen… Đó là hình ảnh được mẹ dẫn đi chợ tết đông vui; là cả nhà cùng nhau lặt lá mai; là bếp củi đỏ rực đêm 30 nấu bánh chưng thơm lừng, mùi của bánh thuẫn, củ kiệu, bánh nổ “nhà làm”; là mùng một Tết được mặc chiếc áo mới thơm tho đi chúc tết, chờ lì xì; là đêm giao thừa dâng lên bàn thờ gia tiên mâm cỗ đơn sơ, mời ông bà về đón tết…

Từng mảnh ký ức trong mỗi bài viết là những trải nghiệm, tâm tư riêng của từng tác giả, nhưng qua những câu chuyện lay động rất riêng ấy, bạn đọc đều như chạm gặp chính mình và tìm thấy một quãng đời trong hương vị tết xưa. Khó tránh khỏi cái giật mình nhận ra, vùng nhớ - “miền cổ tích” trong mỗi người vẫn luôn ở đó, vẹn nguyên, sống động... Để rồi qua bao biến thiên thời cuộc và đời sống riêng, dù cho tết nay có đổi khác, vạn vật phủ sắc thời gian hay cuộc sống khấm khá hơn, dễ dàng hơn trong quyết định mua chậu đào, tấm áo đẹp đón xuân…, thì “miền cổ tích” thiếu thời - ngay cả chứa đựng thiếu thốn, hàn vi, mất mát - cũng trở nên lung linh, đẹp đẽ mỗi khi ta bước lên chuyến tàu ký ức, để trở về.

Ôn cố tri tân

Không dừng lại ở con số bài viết tham gia, cuộc thi còn đón nhận hàng trăm bình luận của độc giả. Hầu hết bày tỏ sự đồng cảm, nối tiếp bằng những sẻ chia chuyện mình. Đọc Nhớ thương vách đất quê nhà, bạn khanhlien1976@... xúc động: “Bài viết gợi nhớ những năm tháng khó nhọc ở quê nhà. Đọc từng câu chữ mà rưng rưng xúc động…”. Còn Vợi thương chén mẻ quê nhà lại khiến độc giả hieuphuyen1983@... thổn thức: “Niềm vui ngày tết thế hệ chúng tôi rất đơn giản, đôi khi chỉ là được sum vầy nơi chái bếp, được ăn bữa cơm đầu năm có thêm chút thịt mỡ.... Có lẽ chính những khó khăn thiếu thốn một thời đã trở thành ký ức khó quên trong suốt chặng đường sau này!”…

Là một trong những bài viết nhận phản hồi nhiều nhất, Tết là để trở về được bạn đọc đúc kết: “Tết thanh bình và ấm áp nhất là khi được bên gia đình. Cảm ơn tác giả đã gợi thật sâu sắc để ai đó xa quê lại nhớ về những ngày xưa!”. “Không thể về nhà đón tết với gia đình, tôi càng thấm thía chữ tình thâm, sum vầy”…

tet-nay-tet-xua-nhung-bai-hay-9609.jpg

Là chuyến tàu ký ức sẵn sàng dừng đón từng bạn đọc, cuộc thi cũng là dịp giúp mỗi người nhìn lại sự được - mất, chuyện ngày ấy - bây giờ, để trân quý hơn những ngày tháng đã qua, chắt chiu và nâng niu về một “miền cổ tích”. Bởi không riêng các tác giả, mà còn với tất cả chúng ta, miền nhớ đó có khi chính là sự cứu rỗi, một bến đỗ an ủi, nương vịn và tưới tắm tâm hồn trong mỗi lúc tìm về. Hơn cả, ta có thêm nhiều bài học về cách sống, biết gìn giữ và phát huy những đức tính cao đẹp, các giá trị văn hóa đã trao truyền bao thế hệ người Việt Nam.

Con chở ba đi chúc tết họ hàng, tác giả sống với những tháng ngày bé bỏng, được ba chở trên chiếc xe đạp đi chúc tết họ hàng. Bánh xe thời gian quay vòng, giờ đây ba ngồi sau yên xe, con chở đi thăm chúc mọi người - những người cũng một thời “trai trẻ” như ba, nay tóc bạc da mồi. Và tác giả đã có cuộc đối thoại với lòng: “Tôi nghĩ đến sự tiếp nối của những cuộc đoàn viên, nghĩ đến tương lai, nghĩ về những mùa xuân sau này. Tôi sẽ chỉ cho các con tôi từng gương mặt bà con, họ hàng nhà mình. Tôi cũng sẽ không quên ghi chép lại hết những kỷ niệm, lưu lại những khoảnh khắc cùng ba trong hành trình đi thăm nguồn cội, vui với những ngày tết đoàn viên thân tình. Tôi sẽ lưu giữ nó như lưu giữ nguồn sức mạnh tinh thần vô giá trong cuộc đời”.

Trong Đôi dép đứt quai của mạ, chỉ với “Một sợi dây thép nhỏ. Một ngọn nến đỏ lửa. Một cái kềm bẻ thép… Loay hoay một lúc, mạ bấm kềm cắt phăng sợi thép uốn vài vòng quanh đế dép. Thế là dép hỏng đã sửa lành”, người mẹ đã âm thầm trao đi một đức tính: “Nhìn cách mạ nâng niu đồ cũ, đồ hỏng và đồ suýt bỏ đi, dần dà con cháu thấu hiểu và tập tành thực hành đức tính tiết kiệm cùng lối sống giản tiện giống mạ, giống bà. Mạ bảo ai đã từng qua một thời đói khổ, túng thiếu mọi bề mới thấy quý vô cùng cuộc sống đủ đầy, dư dả của hiện tại. Đủ đầy nhưng không được phép phung phí. Dư dả mà không được quyền lãng phí…”.

Ôn cố để tri tân. Trong dặm dài cuộc sống, ngày tháng lùi dần và nhớ về ngày tháng đã qua là nhớ về một hành trình trải nghiệm, nơi mà từ đó, sẽ góp phần đưa ta đến những lựa chọn và quyết định đúng đắn, tử tế trong hôm nay. Ta trân quý hơn giá trị của tình thân, gia đình, trao truyền và lan tỏa những vẻ đẹp của phong tục, những nếp sống truyền thống cao đẹp. Và cũng không nằm ngoài sự kiên định, mạnh mẽ hơn trong trách nhiệm mang vác, vì tương lai của bản thân, của gia đình và đất nước. Như có tác giả phải chấp nhận tha hương mưu sinh, nhớ tết xưa để dặn lòng hôm nay ráng làm lụng để giúp đỡ gia đình; cũng không ít tác giả đang thực hiện sứ mệnh cao cả là gìn giữ biên cương, bảo vệ Tổ quốc: “Và hơn cả, tôi vẫn còn nhớ bao lời của mẹ dặn dò trước ngày hành quân. Đã là một người chiến sĩ thì đôi khi phải gạt đi tình riêng để cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc”, và truyền đi sự thiêng liêng, cao quý của đất nước thanh bình trong lời hẹn Tết sau, con sẽ về đoàn viên

Đó cũng là ý nghĩa cao nhất mà cuộc thi viết Tết nay - Tết xưa hướng đến. Chân thành cảm ơn bạn đọc khắp nơi đã gửi bài tham dự, góp phần tạo nên thành công của cuộc thi này.

Sau gần 2 tháng diễn ra (từ ngày 11-1-2024 đến ngày 9-3-2024), cuộc thi viết Tết nay - Tết xưa của Báo SGGP điện tử (sggp.org.vn) tổ chức đã nhận được gần 700 bài viết của bạn đọc trong và ngoài nước. Có hơn 200 tác phẩm được Ban tổ chức tuyển chọn, biên tập và đăng tải trên sggp.org.vn. Đây cũng là những tác phẩm lọt vào vòng sơ khảo. Ban tổ chức sẽ chọn 20 tác phẩm vào vòng chung khảo. Sau khi chấm vòng chung khảo, hội đồng chấm giải sẽ chọn ra 9 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.

Ban giám khảo vòng sơ khảo, gồm:

- Trưởng ban: Nhà báo Nguyễn Chiến Dũng, TKTS Báo SGGP điện tử.

- Thành viên là Phó TKTS và BTV Tòa soạn Báo SGGP điện tử.

Ban giám khảo vòng chung khảo, gồm:

- Trưởng ban: Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP.

- Thành viên: Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP; Nguyễn Thành Nam, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Trẻ và Nhà văn Tiến Đạt.

Mời bạn đọc quét mã QR để xem các bài tham gia cuộc thi viết Tết nay - Tết xưa

cn3-qr-tet-nay-tet-xua-1519.jpg

Tin cùng chuyên mục