Tối 4-4, liên quan tới những người tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 thứ 237 (nam, 64 tuổi, quốc tịch Thụy Điển), Bộ Y tế cho biết, tất cả 89 nhân viên y tế của các cơ sở y tế, gồm: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện E và Bệnh viện Việt Pháp có tiếp xúc (F1) với bệnh nhân 237 đều có kết xét nghiệm lần 1 âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trong số này, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có 45 người; Bệnh viện đa khoa Đức Giang có 18 người; Bệnh viện Việt Pháp có 22 người và Bệnh viện E có 4 người.
Trước đó vào sáng cùng ngày, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương” với điểm cầu của 27 tỉnh, thành có ca mắc Covid-19.
Tại hội nghị, đề cập tới ca bệnh Covid-19 thứ 237, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ rõ, tình hình dịch tễ của bệnh nhân thứ 237 có liên quan nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội (Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Đức Giang, Viện huyết học và truyền máu, Bệnh viện E) nên giao lại cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội xử lý, coi như một tâm dịch để có các biện pháp triển khai quyết liệt để tránh lây lan ra cộng đồng.
Liên quan tới trường hợp bệnh nhân thứ 237, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đã khẩn trưởng rà soát, quản lý, cách ly 455 trường hợp đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người tiếp xúc liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 237, trong đó có 101 trường hợp là F1 và 354 người là F2. Đến nay, 101 trường hợp F1 đã được cách ly tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2, các trường hợp là F2 cũng đã được cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm.
Đáng chú ý, trong số các trường hợp F1 liên quan tới ca bệnh thứ 237 có nhiều cán bộ, nhân viên y tế, trong đó tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang có 18 trường hợp F1 đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội lấy mẫu; tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có 45 trường hợp F1 đã được lấy mẫu; Bệnh viện E có 4 trường hợp F1 đã được lấy mẫu và Bệnh viện Việt Pháp là 22 trường hợp F1 đã được lấy mẫu.
Ngoài ra, tại khách sạn nơi bệnh nhân 237 lưu trú ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, có 12 trường hợp F1 đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội lấy mẫu. Đồng thời, lực lượng chức năng của Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành khử khuẩn toàn bộ tại các khoa của các bệnh viện và các nơi mà bệnh nhân đã lưu trú. Tiến hành cách ly một số khoa tại các bệnh viện, thông báo tới các địa phương khác tỉnh bệnh nhân đã đến và có tiếp xúc. Khẩn trương tiếp tục điều tra dịch tễ học quá trình di chuyển bằng đường bộ, kiểm tra camera để xác định tiếp xúc của bệnh nhân.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu, đối với các địa phương phải thực hiện tốt việc khoanh vùng, dập dịch để hạn chế việc lây lan dịch ra cộng đồng, thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là “đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng”, theo phương châm phát hiện và cách ly.
Thực hiện nghiêm túc việc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/TTg của Thủ tướng Chính phủ, cách ly xã hội là giãn cách xã hội chứ không phải là ngăn sông cấm chợ. Thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, thông báo của Bộ Y tế về danh sách người nước ngoài về Việt Nam và những người đến khám, chăm sóc phục vụ người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai; những ai có liên quan đến lịch trình di chuyển của bệnh nhân thứ 237, tuyên truyền hướng dẫn để người dân biết tự khai báo.
Duy trì tổ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, mỗi tổ tối thiểu 2 người, thành phần gồm công an (cảnh sát khu vực) và y tế cơ sở, mặt trận tổ quốc, bí thư, trưởng thôn, khu phố. Mỗi tổ phụ trách một cụm dân cư, khu phố khoảng 50 hộ gia đình lập danh sách theo dõi, sàng lọc chặt chẽ những ai có biểu hiện sốt ho khó thở, đặc biệt là những người đi về từ vùng dịch.
Đối với việc xét nghiệm, địa phương sẽ chọn 1 huyện hoặc phường dự kiến có thể có nguy cơ để xét nghiệm, cắt ngang cộng đồng để đánh giá nguy cơ cộng đồng. Bên cạnh đó, tổ chức xét nghiệm tại cộng đồng; thực hiện điều trị theo nguyên tắc: dịch ở đâu khoanh vùng dập dịch ở đó. Điều trị bệnh nhân tại chỗ, chỉ chuyển lên tuyến trên khi bệnh nhân nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị.
Những đơn vị của tỉnh nào thì do tỉnh đó chỉ đạo và chịu trách nhiệm; thực hiện phân luồng điều trị hợp lý tránh lây lan trong bệnh viện; nhân viên y tế thực hiện nghiêm phòng hộ trong khám bệnh, tránh lây bệnh chéo; thực hiện nghiêm túc hướng dẫn cách ly trong các cơ sở y tế của Bộ Y tế.