Theo cuộc khảo sát, 83% số người Việt tham gia đã thay đổi các ưu tiên về sức khỏe của họ sau đại dịch. Họ tập trung nhiều hơn vào lối sống lành mạnh, năng động cũng như có được một phương pháp bảo vệ sức khỏe toàn diện. Những người tham gia khảo sát cũng chia sẻ rằng tăng cường hệ miễn dịch (54%), cải thiện sức khỏe tổng thể (53%), xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh (50%) và cải thiện sức khỏe tinh thần (50%) là bốn mục tiêu sức khỏe hàng đầu mà họ mong muốn đạt được, tiếp theo sau là tăng cường vận động (48%) và cải thiện giấc ngủ (46%).
Cuộc khảo sát chỉ thêm rằng các thế hệ khác nhau có những ưu tiên khác nhau trong việc cải thiện sức khỏe của họ. Những người tham gia lớn tuổi hơn thuộc thế hệ X và Boomers tập trung nhiều hơn vào việc tăng cường khả năng miễn dịch (50%), so với những người trẻ hơn thuộc thế hệ Z và Millennials (42%). Ngược lại, 46% thế hệ trẻ coi việc cải thiện sức khỏe tinh thần là một phần quan trọng trong mục tiêu sức khỏe, trong khi chỉ có 34% thế hệ lớn tuổi hơn có cùng quan điểm.
Ngoài ra, trong khi 96% người tiêu dùng Việt Nam, cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được khảo sát cho biết đang thực hiện các bước để đạt được mục tiêu sức khỏe của họ, thì vấn đề thiếu thời gian (52%) và thiếu động lực (40%) là những thách thức hàng đầu ngăn cản họ thực hiện mục tiêu của mình. Để vượt qua những thách thức này, đại đa số (84%) người được hỏi ghi nhận tầm quan trọng của việc có một nhóm hỗ trợ trong hành trình chăm sóc sức khỏe và thể chất.