Kết quả học tập của sinh viên: Khác biệt giữa các phương thức xét tuyển

Chuẩn bị cho việc xây dựng công tác đổi mới tuyển sinh đại học (ĐH) từ năm 2025 trở đi, nhiều trường ĐH thực hiện khảo sát, đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển. Tuy các trường không đưa ra kết luận phương thức nào là tối ưu nhưng đây là cơ sở quan trọng để các trường điều chỉnh, xây dựng công tác tuyển sinh từ năm 2025, khi Bộ GD-ĐT đổi mới thi tốt nghiệp THPT.

Những kết quả bất ngờ

Trường ĐH Sư phạm TPHCM vừa công bố kết quả phân tích điểm trung bình học tập (kết quả học tập) của sinh viên trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển khác nhau vào trường. Kết quả này dựa trên dữ liệu của hơn 10.000 sinh viên trúng tuyển vào trường trong 3 năm 2020, 2021 và 2022. Theo đó, năm 2020, kết quả học tập của sinh viên theo phương thức tuyển thẳng là 3,31/4,0 (điểm học tập tính theo hệ đào tạo tín chỉ, tuyệt đối là 4,0); sinh viên trúng tuyển bằng học bạ THPT có điểm trung bình tích lũy là 3,19/4,0 và sinh viên trúng tuyển bằng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT là 2,94/4,0. Trong năm 2021 và 2022, Trường ĐH Sư phạm TPHCM sử dụng 3 phương thức xét tuyển gồm: tuyển thẳng, xét kết quả học tập THPT và xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đến năm 2023, trường bổ sung phương thức xét tuyển mới là kết hợp kết quả học tập THPT với điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt (phương thức kết hợp) do trường tự tổ chức.

Sinh viên khóa trúng tuyển 2021 có kết quả học tập ở các phương thức trên lần lượt là: 3,34/4,0; 3,22/4,0; 3,06/4,0. Năm 2022, kết quả học tập của các phương thức theo thứ tự là 3,22/4,0; 2,69/4,0 và 2,85/4,0. Năm 2023, kết quả học tập của phương thức tuyển thẳng là 3,22/4,0; phương thức xét kết quả học bạ THPT là 2,96/4,0; phương thức xét điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT là 2,85/4,0; phương thức kết hợp đạt 3,22/4,0... Trường ĐH Sư phạm TPHCM dành cho phương thức xét học bạ chỉ chiếm 10% chỉ tiêu nên nhiều ngành có kết quả trúng tuyển gần như tuyệt đối (Sư phạm Hóa học với mức điểm chuẩn là 29,73, bình quân 9,91 điểm/môn mới trúng tuyển; các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học có điểm chuẩn từ 29,28-29,55...).

f4c-2457.jpg
Phụ huynh tìm hiểu thông tin xét tuyển bằng điểm học bạ THPT tại Trường ĐH Công thương vào ngày 5-3

Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM thực hiện khảo sát kết quả học tập của sinh viên ở các phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi, xét bằng điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức, điểm thi tốt nghiệp THPT từ năm 2019 đến năm 2023. Kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT có điểm gần tương đương nhau. Tuy nhiên, kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển ở phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển học sinh ở các trường chuyên, năng khiếu và điểm thi ĐGNL lại cao hơn...

Trường ĐH Công thương TPHCM cũng thực hiện khảo sát kết quả xếp loại tốt nghiệp sinh viên theo phương thức tuyển sinh từ năm 2019-2023. Theo đó, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ sinh viên xếp loại xuất sắc đạt 0,21%; giỏi 6,56%; khá 69,24% và trung bình 23,98%. Tỷ lệ này ở phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT là: xuất sắc đạt 0,24%; giỏi 5,44%; khá 65,12% và trung bình 29,2%. Như vậy, kết quả học tập của sinh viên xét bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ tương đương sinh viên tuyển bằng phương thức xét học bạ...

Cơ sở điều chỉnh phương án tuyển sinh

Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, trường luôn tiến hành khảo sát, so sánh kết quả học tập ở các phương thức xét tuyển theo định kỳ. Kết quả từ khảo sát là cơ sở, minh chứng để hội đồng tuyển sinh nhà trường điều chỉnh chiến lược tuyển sinh cho những năm tới. Với kết quả khảo sát như trên, ngay trong năm nay và những năm tiếp theo, nhà trường sẽ tăng chỉ tiêu ở phương thức xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL, ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi ở các trường chuyên lên khoảng 40% so với 30% ở năm 2023.

Trong khi đó, ThS Phan Lê Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng, việc đánh giá kết quả học tập ở các phương thức chỉ mang tính tham khảo chứ không mang ý nghĩa kết luận phương thức nào là tối ưu tuyệt đối. Tuy nhiên, đó là cơ sở để nhà trường điều chỉnh (tăng hoặc giảm chỉ tiêu) ở các phương thức xét tuyển.

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh thuộc danh sách 149 trường THPT theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM có sử dụng điểm học bạ làm một căn cứ đánh giá. Qua khảo sát kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển bằng phương thức này, trường nhận thấy hầu hết đạt từ mức khá trở lên và tình trạng bỏ học giữa chừng rất ít. Trong khi đó, tại nhiều trường ĐH công lập địa phương và một số trường ĐH ngoài công lập, có từ 15%-20% (khoảng 1.000 sinh viên) có kết quả học tập xếp loại yếu kém có đầu vào từ phương thức xét kết quả học bạ. Những sinh viên này thường nghỉ học hoặc bị buộc thôi học do kết quả học tập yếu kém trong 1-2 học kỳ đầu.

TS Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TPHCM, cũng cho biết, hiện nay trường sử dụng các phương thức xét tuyển như xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm học bạ THPT, xét điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM. Việc các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển một mặt tạo nhiều cơ hội cho thí sinh, mặt khác đa dạng hóa trong việc lựa chọn người học phù hợp với đặc thù đào tạo của từng trường. Phương thức nào có hiệu quả đào tạo tốt hơn thì các trường sẽ điều chỉnh theo hướng ưu tiên dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức đó.

ThS HỨA MINH TUẤN, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM:

Mỗi trường có định hướng đào tạo khác nhau

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, hiện nay có khoảng 20 phương thức xét tuyển gồm xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD-ĐT, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của các trường, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển bằng các kỳ thi riêng do các trường tổ chức, xét tuyển kết hợp... Hiện nay, cả nước chỉ có vài trường không sử dụng phương thức xét bằng điểm học bạ THPT. Mặt khác, nhiều trường tốp trên cũng giảm mạnh chỉ tiêu ở phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, phần lớn những trường còn lại (ĐH ở các địa phương, ĐH ngoài công lập) 80%-90% chỉ tiêu là xét điểm học bạ THPT. Điều này cho thấy, việc lựa chọn, phân bổ chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển ở các trường là không giống nhau bởi mỗi trường đều có định hướng đào tạo khác nhau. Nhóm trường tốp trên, trường trọng điểm ưu tiên xét tuyển lựa chọn những thí sinh giỏi nên lựa chọn những phương thức xét tuyển khó hơn. Những trường còn lại thì ưu tiên những phương thức xét tuyển đơn giản, miễn làm sao tuyển đủ chỉ tiêu.

Ông NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, nguyên chuyên viên tuyển sinh, Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM:

Không nên cứng nhắc xét tuyển theo tổ hợp môn

Với xu hướng đào tạo liên ngành hiện nay thì việc nhiều trường xét tuyển vẫn còn dựa vào các tổ hợp 3 môn để lựa chọn thí sinh là chưa đánh giá toàn diện kiến thức và năng lực học ĐH của thí sinh. Điều này cũng lý giải tại sao ngày càng có nhiều trường ĐH lớn như hai ĐH Quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM... tổ chức các kỳ thi riêng dưới dạng bài thi tổng hợp để tuyển chọn thí sinh. Kết quả khảo sát cũng cho thấy sinh viên trúng tuyển qua các kỳ thi riêng này ở nhiều trường có kết quả học tập tốt hơn sinh viên trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ và bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay không còn là tiêu chí quan trọng để nhiều trường xét tuyển. Đặc biệt, từ năm 2025, khi Bộ GD-ĐT đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH sẽ có sự tính toán các phương thức tuyển sinh cho phù hợp. Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp và xét tuyển bằng kết quả kỳ thi riêng sẽ được nhiều trường ưu tiên dành nhiều chỉ tiêu hơn.

PGS-TS ĐỖ VĂN XÊ, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ:

Chất lượng quá trình đào tạo mới quyết định

Thực tế hiện nay, tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để thí sinh có thể theo học ĐH. Dù xét tuyển theo phương thức nào thì thí sinh bắt buộc phải có điều kiện cần là tốt nghiệp THPT. Điều này cho thấy đầu vào ĐH chỉ là một yếu tố, nhưng chất lượng quá trình đào tạo của toàn khóa học mới là điều quan trọng nhất quyết định đến chất lượng sản phẩm đầu ra (sinh viên tốt nghiệp). Với những trường theo định hướng nghề nghiệp, theo hướng ứng dụng thì sẽ chú trọng vào kỹ năng thực hành, ứng dụng, gắn kết với doanh nghiệp. Với những trường trọng điểm, theo định hướng nghiên cứu thì sẽ tăng thêm việc nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo... Do đó, dù xét tuyển theo phương thức nào thì các trường cũng cần phải đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tin cùng chuyên mục