Theo kết quả điều tra sơ bộ công bố mới đây, nguyên nhân sản phẩm nhiễm khuẩn có thể là do chất lượng sữa tách bơ không đảm bảo tại một nhà máy ở thị trấn Arlon của Bỉ - nơi sản xuất các sản phẩm của Ferrero.
Các chuyên gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu và Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu cho biết, họ đã so sánh các sản phẩm nhiễm khuẩn salmonella vừa phát hiện với các mẫu sản phẩm tương tự lấy từ nhà máy nêu trên vào tháng 12-2021. Kết quả cho thấy khâu chế biến sữa tách bơ đã được xác định là mấu chốt gây nhiễm khuẩn hai loại sản phẩm là sôcôla trứng và sôcôla praline hiệu Kinder của tập đoàn Ferrero.
Ferrero đã cho thu hồi sôcôla trứng và các sản phẩm tương tự tại nhiều nước, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Italy, Mỹ..., khi thừa nhận rằng một số sản phẩm sản xuất tại Bỉ đã bị nhiễm khuẩn. Hiện Ferrero đã đóng cửa nhà máy tại Arlon, nhưng giới chức châu Âu vẫn lưu ý rằng các sản phẩm sôcôla của tập đoàn này đã được xuất đi toàn cầu trước khi phát hiện bê bối trên.
Tính đến tuần này đã có 150 trường hợp nhiễm khuẩn salmonella sau khi ăn sôcôla Kinder được ghi nhận tại 10 quốc gia châu Âu, trong đó trường hợp đầu tiên được xác định tại Anh vào tháng 12-2021. Theo nhà chức trách châu Âu, phần lớn các trường hợp nhiễm khuẩn là trẻ em dưới 10 tuổi và "một số đáng kể bệnh nhi" đã phải nhập viện để điều trị. CDC châu Âu cho biết đợt bùng phát vẫn đang tiếp tục lan rộng, trong đó trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cơ quan này đồng thời lưu ý rằng cần phải tiến hành những cuộc điều tra sâu rộng hơn nhằm xác định chính xác mầm mống nhiễm khuẩn, cũng như đánh giá nguy cơ xảy ra tình trạng tương tự tại các nhà máy chế biến khác.
Khuẩn salmonella thường gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, sốt và co thắt dạ dày. Hầu hết người nhiễm khuẩn không cần dùng thuốc, nhưng vẫn có những trường hợp nặng phải nhập viện, có thể phải dùng kháng sinh hoặc các phương pháp điều trị khác.