Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng ứng phó với thách thức từ thiên tai hay hiện tượng nóng lên toàn cầu, cũng như chưa có ý thức góp phần giảm các tác nhân gây biến đổi khí hậu (BĐKH).
Sự phát triển nhanh chóng của TPHCM (GDP tăng trung bình 8% - 9%/năm) sẽ tạo áp lực đối với việc cải thiện nâng cao điều kiện môi trường sống cho người dân.
Tăng trưởng nhanh tạo áp lực cho khoảng không gian xanh trong TP; với đặc trưng các phương tiện giao thông cá nhân gia tăng nhanh chóng dẫn đến thường xuyên kẹt đường và ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng.
Nhiều ngành công nghiệp chậm đổi mới công nghệ và thiết bị hiện đại, quản lý ô nhiễm môi trường của chủ nguồn thải công nghiệp còn yếu kém, nước thải, khói bụi chưa được xử lý.
Nước ngầm bị khai thác, sử dụng có phép và trái phép (cả trong sinh hoạt và sản xuất) dẫn đến hiện tượng lún sụt ở nhiều khu vực. Sự thay đổi dòng chảy và bồi lắng dịch chuyển nên việc xây dựng bến cảng và nạo vét các dòng sông ngày càng tốn kém.
Thời gian qua, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tỉnh lân cận trong việc bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH, TPHCM cũng đã tăng cường chia sẻ và công khai dữ liệu môi trường nước lưu vực sông, đặc biệt là vấn đề giám sát chất lượng nước mặt kênh rạch liên tỉnh như Thầy Cai, An Hạ, Ba Bò.
Liên kết với tỉnh Long An xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn Thủ Thừa Long An, cho kế hoạch xử lý chất thải rắn giai đoạn 2020-2025. Phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh xây dựng phương án triển khai công tác vớt, xử lý lục bình trên các tuyến sông, kênh, rạch giáp ranh giữa TPHCM (như sông Sài Gòn, Đồng Nai, Cần Giuộc).
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng chiến lược thích ứng với BĐKH và chương trình hành động hướng tới một TPHCM thích ứng khí hậu trong tương lai với mục tiêu một thành phố phát triển xanh-sạch-đẹp và bền vững, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường như một điều kiện cần, một chốt hãm với quá trình BĐKH.
Kết nối với các địa phương trong vùng trên cùng hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai để phối hợp hành động nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế đặc biệt đối với các thành phố, khu vực trên thế giới có nhiều kinh nghiệm ứng phó và khả năng thích ứng cao với BĐKH như Rotterdam (Hà Lan).
Nâng cao năng lực và nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân, đưa kiến thức thông qua hoạt động ngoại khóa, môn học trong các trường học từ phổ thông tới giáo dục đại học.
Thách thức và thời cơ để thích ứng với BĐKH là nỗ lực chung của mọi ngành, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có liên quan để từ bị động bước sang chủ động và đảm bảo được mục tiêu phát triển của thành phố trên mọi mặt kinh tế - xã hội.