Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được xác định là ngành kinh tế trọng điểm của TPHCM. Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phát triển. Điển hình là chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, qua đó giúp doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng, để có thể tham gia sâu và bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng suất, cải thiện công nghệ theo hướng bảo vệ môi trường. Thành phố sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến, kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của thành phố với các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện và cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố phát triển.
Tính đến nay, thành phố đã phê duyệt 22 dự án với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 938 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình đã bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như Công ty Hiệp Phước Thành, Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên… Đánh giá về khả năng cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Lim Jae Hoon, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TPHCM, cho rằng, lĩnh vực máy móc, thiết bị công nghiệp của Việt Nam đang có đà tăng trưởng cao, xấp xỉ 20% mỗi năm. Về chất lượng, giá thành, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những cải thiện tích cực và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, sự có mặt của hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước (trong đó có hơn 200 doanh nghiệp Hàn Quốc) tham gia triển lãm lần này sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam tìm cơ hội hợp tác.