Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Long An, thời gian qua, Long An thực hiện kết nối cung - cầu rất chặt chẽ với TPHCM. Tỉnh này đã triển khai thực hiện tốt quy định trong sơ chế tại nguồn, cung cấp nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho thị trường TPHCM.
Từ đó, việc kết nối đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua số lượng hợp đồng, số doanh nghiệp (DN) tham gia và sản lượng hàng hóa tiêu thụ ngày càng tăng.
Điển hình như Công ty TNHH Gạo an toàn Minh Tâm đã cung ứng gạo chất lượng cao cho 3 đại lý gạo của TPHCM; Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Việt đã ký được 10 hợp đồng cung ứng rau vào chuỗi nhà hàng; Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình ký hợp đồng cung cấp chuối cho Satra, Saigon Co.op và các shop trái cây ở TPHCM…
Dù vậy, việc kết nối tiêu thụ hàng hóa với TPHCM còn một vài hạn chế. Các DN, HTX tại tỉnh Long An gặp khó khăn trong việc cung cấp sản phẩm trực tiếp cho hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị, bếp ăn tập thể.
Ngoài ra, một số DN, HTX dù đã ký kết hợp đồng ghi nhớ trực tiếp ngay tại các hội nghị kết nối cung cầu nhưng lại khó triển khai thành hợp đồng thương mại.
Thậm chí vẫn còn trường hợp sản phẩm được tỉnh Long An chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhưng vẫn khó tiếp cận vào các cơ sở kinh doanh tại TPHCM.
Từ thực trạng này, Long An đề xuất Sở Công thương TPHCM đẩy mạnh hoạt động kết nối, hỗ trợ tỉnh tiêu thụ hàng hóa nông sản, triển khai các hợp đồng ghi nhớ đã được ký kết; tạo thuận lợi cho hàng hóa của Long An tiếp cận với người tiêu dùng TPHCM.
Đại diện Sở Công thương TPHCM khẳng định sẽ tiếp tục làm đầu mối phối hợp chặt chẽ với Long An, cũng như nhiều tỉnh thành khác, hỗ trợ tối đa cho DN, HTX xúc tiến, mở rộng thị trường.
Trong đó, TPHCM sẽ ưu tiên tiêu thụ hàng hóa sản xuất có chất lượng cao, giá cả hợp lý, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền.