Kết nối tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử

Kinh doanh, mua bán hàng hóa qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang là xu hướng tất yếu và các sản phẩm nông sản cũng không nằm ngoài xu thế này.

Thị trường rộng mở nhưng khó nhập cuộc

Theo Bộ Công thương, TMĐT tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, với doanh thu 20,5 tỷ USD năm 2023, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Và dự báo năm 2024, doanh thu từ TMĐT sẽ tiếp tục tăng cao.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành hoạt động Co.opmart, cho biết, riêng năm 2023, doanh thu TMĐT của toàn hệ thống Saigon Co.op đã đạt 200%. Con số này sẽ tăng lên 300%, cán mốc hơn 3.000 tỷ đồng doanh thu vào cuối năm 2024. Điều này xuất phát từ xu hướng tiêu dùng của người dân đã thay đổi theo hướng ưu tiêu mua sắm online do tính tiện lợi và phổ biến.

XHH 8B.jpg
Chọn mua nông sản qua sàn thương mại điện tử

Các đơn vị nghiên cứu thị trường dự báo, thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao, là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nông sản, nhất là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Thực tế những năm trở lại đây, làn sóng đưa hàng nông sản, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) lên sàn TMĐT được các doanh nghiệp và địa phương trên cả nước triển khai khá rầm rộ. Kết quả bước đầu cho thấy, nhiều nông sản như vải thiều Bắc Giang, xoài cát Hòa Lộc (Đồng Tháp), bưởi Tân Triều (Đồng Nai)… đã tìm được “đất sống” trên các “chợ mạng”.

Tuy nhiên, hiện nay, việc kinh doanh trên sàn TMĐT ngày càng khó khăn do các sàn liên tục cập nhật chính sách mới buộc nhà bán hàng phải hoạt động chuyên nghiệp hơn để kinh doanh hiệu quả. Thẳng thắn chỉ ra điểm yếu mà doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh nông sản đang bị “vướng” khi đưa hàng lên sàn TMĐT, ông Phạm Thanh Thọ, nguyên thành viên HĐQT kiêm Giám đốc ngành dịch vụ nông nghiệp Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ, rào cản hiện nay đối với các nông phẩm khi kinh doanh trên sàn TMĐT là chất lượng chưa ổn định, chi phí và giá thành sản xuất ra 1 đơn vị sản phẩm còn khá cao.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng 2 tác nhân chính là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và chi phí logistics còn cao. Điều này cũng làm giảm lợi thế cạnh tranh cho một số nông phẩm phổ biến của chúng ta. “Nếu nông sản không thực sự chất lượng sẽ không xây dựng được niềm tin từ người tiêu dùng, khi lên sàn sẽ không tiêu thụ được”, ông Thọ nói.

Ngoài những rào cản trên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty XNK Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân nữa là do những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất và bán hàng trên sàn TMĐT đều là nông dân, HTX… nên khả năng tiếp cận công nghệ còn hạn chế. Chưa kể, theo chia sẻ từ nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh nông sản trên sàn TMĐT thì bán hàng trên sàn chắc chắn sẽ có những cuộc chạy đua về giá. Khách sẽ đợi giảm giá mới mua. Thông thường, khách sẽ chọn nhãn hàng khác có giá giảm hơn…

Chọn hướng đi phù hợp

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, để đưa nông sản lên sàn TMĐT phải có sự sàng lọc, bởi không phải sản phẩm nông sản nào cũng có thể kinh doanh trên sàn TMĐT. Ông Tùng cho biết, Vina T&T Group rất cẩn trọng trong việc chọn lựa sản phẩm đưa lên sàn TMĐT. Sản phẩm mà doanh nghiệp chọn là bưởi da xanh, đáp ứng được nhiều tiêu chí ít hao hụt, dễ bảo quản và vận chuyển hơn so với các loại trái khác như xoài, vú sữa…

Ngoài ra, theo ông Tùng, còn 1 yếu tố rất quan trọng với mặt hàng trái cây tươi là sự đồng đều về chất lượng sản phẩm. Một diện tích trồng trọt sẽ cho ra nhiều kích cỡ trái, đầu mùa và giữa mùa chất lượng trái khác nhau. Do vậy việc đảm bảo sự đồng đều chất lượng như công bố là điều không dễ dàng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc kinh doanh và phân phối Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, có một thực tế, các sàn TMĐT quy mô hiện tại thường chỉ tập trung vào các thành phố lớn, nếu đưa nông sản và sản phẩm OCOP từ các vùng miền như vùng núi, vùng sâu vùng xa lên sàn sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Vì thế, trong khi chờ đợi sự đầu tư lớn từ phía nhà nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chúng ta phải giải bài toàn này theo một cách khác. Đó là phải cân nhắc phát triển thị trường ở các khu vực và các thành phố nhỏ hơn, chứ không chỉ tập trung vào thị trường của các thành phố lớn như hiện tại.

Ở khía cạnh khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan cần làm tốt vai trò kết nối nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp với các hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Bởi nhà phân phối có nội lực tài chính, có nền tảng TMĐT chuyên nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản. Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, hiện Saigon Co.op đang đầu tư mở rộng thêm hệ thống bán hàng online kết hợp áp dụng chính sách giá đặc biệt để hỗ trợ người tiêu dùng. Việc bắt tay giữa nhà nông và nhà phân phối trong việc khai thác thế mạnh TMĐT là hướng đi có thể sử dụng ngay, mang lại hiệu quả bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.

Tin cùng chuyên mục