Thu hút FDI đạt kỷ lục mới
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến tháng 6 đầu năm 2019, đầu tư FDI đạt kỷ lục về số dự án đăng ký cấp mới và số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, Việt Nam đã thu hút 1.723 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 7,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, có 628 dự án đã cấp phép từ các năm trước, nay đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm gần 3 tỷ USD.
Còn về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, còn có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018.
TS Huỳnh Thanh Điền, Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết đây là những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các cơ quan chức năng cần gấp rút rà soát lại năng lực của DN trong nước, nhất là DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để tăng khả năng kết nối, tận dụng lợi thế thu hút DN FDI. Lý giải vấn đề này, cũng theo TS Huỳnh Thanh Điền, để DN FDI thực sự bám rễ tại thị trường Việt Nam cần phải gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Ngược lại, đây cũng là mục tiêu cần thiết của việc thu hút FDI là nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp trong nước.
Trên thực tế, việc tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ toàn cầu của DN Việt còn rất hạn chế. Đơn cử như Tập đoàn Samsung đưa ra yêu cầu cần 250 nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các nhà máy Samsung tại Việt Nam, nhưng đến nay chỉ có 25 DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của tập đoàn này. Hay đơn cử, trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, cả nước hiện đang có hơn 20 DN lắp ráp sản xuất ô tô. Thế nhưng, phần lớn sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải nhập khẩu bởi trong nước chỉ có 84 DN cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cấp 1 và 145 DN cung ứng cấp 2, 3. Mặt khác, số lượng sản phẩm cung ứng cũng rất hạn chế.
Tương tự, với ngành điện - điện tử, có đến 94% sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như linh kiện, nhựa, cao su… phục vụ cho sản xuất là nhập khẩu. Thậm chí là 100% bởi những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung ứng tại thị trường nội địa cũng do công ty thương mại nhập khẩu lại từ DN nước ngoài.
Gia tăng nội lực doanh nghiệp Việt
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhận xét điểm yếu của DN nội chủ yếu là vốn, khả năng tiếp cận thị trường và cải thiện năng lực quản trị để đáp ứng tiêu chuẩn nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khảo sát về thực trạng sản xuất của DN nội do Sở Công thương TPHCM phối hợp với chuyên gia Tập đoàn Samsung thực hiện cho thấy, tỷ lệ hàng lỗi, hàng tồn kho của DN trong nước còn nhiều, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, gây khó cho cạnh tranh.
Mặt khác, TPHCM nói riêng và các tỉnh, thành chưa có khu công nghiệp chuyên sâu nên DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phân tán nhiều nơi. Thực tế này cộng với điều kiện hạ tầng không thuận lợi nên DN không đáp ứng được tiêu chuẩn giao hàng đúng giờ cho các DN FDI đầu cuối.
Hiện nhiều DN quen sản xuất nhỏ nên có tâm lý ngại tiếp cận khách hàng và thay đổi để dần đáp ứng tiêu chí mà DN sản xuất sản phẩm đầu cuối đặt ra. Do vậy, để hỗ trợ DN cải thiện năng lực sản xuất, tiếp cận với thị trường, Bộ Công thương và TPHCM đã tổ chức nhiều chương trình nâng cao năng lực sản xuất cho DN. Đơn cử như chương trình “Phát triển nhà cung cấp tốt”, các DN sẽ được hỗ trợ khảo sát đánh giá năng lực, tư vấn cải tiến và hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi để đổi mới công nghệ.
Ông Châu Bá Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, cho biết, nhờ tham gia chương trình “Phát triển nhà cung cấp tốt”, công ty đã mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất với vốn đầu tư lên tới 1.600 tỷ đồng. Hiện công ty đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung, chuyên cung ứng sản phẩm công nghệ cao như linh kiện điện tử bằng nhựa, kim loại, chế tạo khuôn mẫu, dập kim loại.
Riêng giải pháp tiếp cận thị trường, ông Nguyễn Phương Đông cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ Công thương cũng như Sở Công thương TPHCM sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ.
Đây là cơ hội giúp DN công nghiệp hỗ trợ trao đổi, tìm hiểu nhu cầu về chất lượng, số lượng cũng như tiêu chuẩn của các DN sản xuất đầu cuối trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, xác định được những yêu cầu cung ứng, làm cơ sở để cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các DN FDI đầu cuối. Về phía các DN cần chủ động cung cấp thông tin tình hình hoạt động để các cơ quan chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu và hỗ trợ kết nối phát triển thị trường.