Nắm bắt xu hướng thị trường qua kết nối
Là tỉnh có thế mạnh sản xuất, chế biến các mặt hàng từ nông sản, thực phẩm, nhiều năm qua các DN, HTX của tỉnh Đồng Nai đều ưu tiên sản xuất cung ứng cho thị trường TPHCM. Theo Sở Công thương Đồng Nai, sản lượng heo thịt của tỉnh này tiêu thụ bình quân trên 220.000 tấn/năm, trong đó 20% tiêu thụ trong tỉnh, 50% cung cấp cho TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đồng Nai cũng là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản như: chuối, mít sấy, ca cao, thanh long, sản phẩm từ sen... Đặc biệt, nhiều đơn vị của Đồng Nai có sản phẩm OCOP đang nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ và TPHCM là địa bàn trọng điểm được ưu tiên. Theo kế hoạch, trong dịp Tết Nguyên đán 2021 sắp tới, những sản phẩm có thế mạnh của Đồng Nai sẽ tiếp tục được DN kết nối tới các chợ đầu mối như: chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ đầu mối thực phẩm Hóc Môn, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền… để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân TPHCM.
Sở dĩ việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai tại TPHCM diễn ra thuận lợi, một phần do được lãnh đạo Sở Công thương 2 địa phương có sự kết nối chặt chẽ qua nhiều chương trình như: “Kết nối cung cầu”, “Hội chợ khuyến mãi”… đặc biệt là sự đón nhận tích cực của người tiêu dùng TPHCM. Theo đó, nhiều người tiêu dùng ở TPHCM giờ đã quen thuộc với những sản phẩm nông sản của Đồng Nai như bưởi Tân Triều, chuối, mít sấy, ca cao, thanh long… và thường xuyên chọn mua.
Không riêng Đồng Nai, cũng nhờ thị trường TPHCM mà các sản phẩm nông nghiệp của Long An tìm được đầu ra ổn định. Theo đó, hàng trăm DN, HTX, cơ sở sản xuất của tỉnh này đã được kết nối với những siêu thị hàng đầu của TPHCM là Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… Riêng năm 2020, bất chấp dịch bệnh, các DN, HTX, cơ sở sản xuất của Long An vẫn quảng bá nhiều sản phẩm như: cà phê hòa tan, gạo đặc sản, lạp xưởng, nem nướng, thanh long tươi, thanh long sấy giòn, thanh long sấy dẻo, mật ong, rau an toàn... cho TPHCM. Đáng chú ý, nhờ sự đón nhận, phản hồi về quy chuẩn, tiêu chuẩn sản phẩm từ người tiêu dùng TPHCM mà các DN sản xuất của Long An đã nhanh chóng nắm bắt, thay đổi để thích ứng.
Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An chia sẻ, thời gian qua dù địa phương tuyên truyền để DN, người dân sản xuất sạch hơn nhưng hiệu quả chưa cao. Tuy nhiên khi thị trường TPHCM từ chối nhận hàng hóa không an toàn thì lập tức hệ thống sản xuất đã chuyển đổi. Đây là tín hiệu tích cực dẫn dắt của thị trường TPHCM với người sản xuất của Long An.
Nhiều DN tham gia kết nối đưa hàng vào TPHCM cho biết, chính nhờ sự kết nối này họ đã xây dựng được các chuỗi cung ứng theo chiều sâu và hiệu quả cao hơn. Cụ thể là hàng hóa mang thay đổi mạnh mẽ về chất lượng, chinh phục thành công không riêng ở thị trường TPHCM mà còn hướng tới thị trường cả nước.
Tạo nguồn cung hàng hóa an toàn
Theo đại diện Sở Công thương TPHCM, thông qua những chương trình hợp tác thương mại này, Sở Công thương đã làm việc với các địa phương có nguồn cung lớn để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thành phố, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Thực tế, với hơn 10 triệu dân, mỗi năm TPHCM cần khoảng 700.000 tấn gạo, 216.000 tấn thịt lợn, 130.000 tấn thịt gia cầm, 1 tỷ quả trứng gà, vịt, gần 2 triệu tấn rau, củ, quả các loại và 132.000 tấn thủy hải sản… Dù vậy, nguồn nông sản do thành phố tự cung ứng tương đối hạn chế, chỉ chiếm khoảng 15%; còn lại chủ yếu là từ các địa phương trên cả nước. Chính vì vậy, việc hợp tác-kết nối với các địa phương sẽ giúp thành phố cân đối cung cầu, đảm bảo nguồn hàng chất lượng, an toàn cho người dân.
Liên quan đến hoạt động cung ứng nguồn hàng Tết Nguyên đán 2021, đại diện Sở Công thương cho biết, bên cạnh nguồn hàng bình ổn được chuẩn bị 12% - 21,2%, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp Sở Công thương các tỉnh, thành để tìm nguồn hàng mới, nhất là hàng đặc sản vùng miền nhằm đa dạng sản phẩm cho người dân. Cụ thể, thành phố đã tổ chức thành công Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 với sự tham dự của 29 địa phương và 486 DN, doanh thu đạt 40 tỷ đồng và Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TPHCM với các tỉnh, thành năm 2020. Qua đó hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp thành phố chủ động kế hoạch hàng hóa cung ứng phục vụ người dân, đồng thời đưa hàng hóa thành phố vào hệ thống phân phối các tỉnh, thành.