Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái là 2 trong số những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông. Xử lý vấn nạn này, TPHCM đã có kế hoạch làm đường trên cao để nối từ sân bay về tới trung tâm thành phố, mở rộng một số tuyến đường xung quanh sân bay, làm nút giao thông khác mức ở nút giao thông Mỹ Thủy để “giải cứu” cảng Cát Lái… Thế nhưng, sân bay Tân Sơn Nhất và khu cảng Cát Lái không chỉ có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của TPHCM mà còn cả khu vực phía Nam. Chính vì ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, nên việc đảm bảo giao thông thông suốt cho 2 khu vực này không chỉ là trách nhiệm riêng của thành phố, mà các bộ ngành Trung ương cũng phải vào cuộc… Xung quanh vấn đề này, GS-TS Nguyễn Trọng Hòa đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
Chỉ là giải pháp trước mắt
Phóng viên: Ông nghĩ sao về các giải pháp “giải cứu” khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái trước vấn nạn ùn tắc giao thông hiện nay của TPHCM?
GS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA: Tôi cho rằng đó là những nỗ lực đáng ghi nhận của TPHCM trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Đặc biệt là việc phấn đấu rút ngắn thời gian thi công từ 2 - 3 tháng ở nút giao thông Mỹ Thủy nằm trên tuyến đường huyết mạch kết nối vào khu cảng Cát Lái và cầu vượt nút giao Nguyễn Kiệm - Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn đi vào sân bay Tân Sơn Nhất của ngành giao thông. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, không giải quyết được căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông. Vài năm nữa, khi nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng cao, tôi e rằng các công trình trên sẽ không đủ sức đáp ứng nhu cầu vì sự gia tăng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa là chắc chắn, bởi TPHCM là trung tâm kinh tế của cả nước. Và như vậy tình trạng ùn tắc giao thông lại xảy ra.
Khẩn trương thi công tại nút giao thông Mỹ Thủy. Ảnh: THÀNH TRÍ
Ngoài cầu vượt, nút giao thông khác mức, để giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM đã có kế hoạch làm đường trên cao nối thẳng từ sân bay về trung tâm thành phố, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý để tăng năng lực giao thông cho đường Cộng Hòa - một trong những cửa ngõ quan trọng ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tại khu vực Cát Lái, TPHCM đang cố gắng hoàn thiện Vành đai 2 để đưa xe container và xe tải ra đây lưu thông nhằm giảm tải cho khu vực quận 2, quận 9 và Thủ Đức…
Ở góc độ nhà quy hoạch phát triển đô thị, tôi thấy TPHCM đang phải loay hoay chống ùn tắc giao thông trong ranh giới hành chính của mình. Với những khó khăn này, khó tìm được giải pháp căn cơ. Trong bối cảnh nợ công còn ở mức cao như hiện nay, tôi cho rằng ít nhất trong vòng 10-15 năm nữa vẫn chưa thể hình thành sân bay Long Thành. Như vậy, từ nay đến khi sân bay Long Thành được xây dựng xong và ngay cả khi đã có sân bay mới này, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đóng vai trò là trung tâm hàng không lớn của khu vực Nam bộ. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ có thể “cất cánh” nếu phát huy được hiệu quả của cả 2 sân bay này. Đây là bài học kinh nghiệm của nhiều thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới.
Thật là thiếu tầm nhìn với những ai có ý định loại bỏ sân bay Tân Sơn Nhất. Với sự phân tích như trên, việc xử lý vấn nạn ùn tắc giao thông ở đây phải có sự góp sức của Chính phủ và mang tầm nhìn của cả vùng. Chính phủ phải ưu tiên các nguồn vốn, đặc biệt là vốn ưu đãi cho đầu tư hệ thống giao thông kết nối đến sân bay Tân Sơn Nhất. Không chỉ xây dựng đường trên cao nối từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố mà nên làm thêm một hệ thống đường trên cao nối từ sân bay ra thẳng các đường vành đai để liên kết nhanh với các tỉnh xung quanh. Vị trí nào trên các đường vành đai này phải được tính toán kỹ để hành khách từ các địa phương khác hoặc các quận huyện ven thành phố có thể đi đến sân bay Tân Sơn Nhất một cách thuận lợi. Việc giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông tại khu cảng Cát Lái cũng vậy. Phải có sự giúp sức của Chính phủ bởi đây là khu cảng container lớn nhất nước. Tại đây, tiếp nhận tới hơn 50% lượng container của cả nước.
Xây dựng hệ thống “đường chuyên dùng”
TPHCM đang quá tải về hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, y tế… Chính vì vậy, nhiều bộ ngành cho rằng, một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết vấn nạn này là phải đầu tư mạnh cho các địa phương lân cận để từng bước “giãn” dân cho thành phố. Việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành ở Đồng Nai, hình thành khu cảng biển cửa ngõ quốc tế ở Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu)… là thực hiện theo ý tưởng đó. Sao ông lại đề nghị Chính phủ ưu tiên vốn đầu tư cho xử lý vấn nạn ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái?
Tôi luôn ủng hộ quan điểm phát triển đô thị ở quy mô vùng để giải quyết các vấn nạn cho TPHCM. Tuy nhiên, ngay cả khi sân bay Long Thành xây dựng xong, theo quy hoạch phát triển đô thị vùng TPHCM, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn có vai trò quan trọng, đặc biệt đối với các đường bay trong nước và khu vực Đông Nam Á. Vì thế, với vị trí là trung tâm kinh tế của cả nước - nơi tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, TPHCM vẫn rất cần có cảng để giao lưu hàng hóa. Vấn đề quy mô cảng như thế nào để phù hợp với định hướng phát triển TPHCM là trung tâm tài chính, dịch vụ cao cấp, công - nông nghiệp kỹ thuật cao. Do vậy, xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi đến cảng biển, sân bay vẫn là việc phải làm.
Theo nhận xét của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, một trong những nguyên nhân quan trọng gây ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là tình trạng người dân ở các quận, huyện ven, dù không có nhu cầu đi vào sân bay nhưng vẫn sử dụng các tuyến đường dẫn vào sân bay để đi lại, làm gia tăng lưu lượng giao thông ở đây và gây ùn tắc giao thông. Tương tự, tại khu vực cảng Cát Lái, ngoài lượng xe container và xe tải ra vào cảng, còn có không ít phương tiện giao thông của các khu dân cư lân cận lưu thông làm cho giao thông ở đây quá tải. Ở góc độ một chuyên gia về quy hoạch, ông có thấy rằng, đây là một sự bất cập và giải pháp nào để xử lý vấn đề này?
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận về tổ chức hệ thống giao thông trong đô thị. Mạng đường bộ hiện có và những tuyến đường đang cải tạo, mở thêm xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái vẫn chỉ là mạng đường đô thị nên người dân có quyền sử dụng sao cho thuận tiện. Ở nhiều thành phố lớn khác, người ta xây dựng và tổ chức các tuyến đường chuyên dùng (khác với đường đô thị) tới các khu vực quan trọng trong đô thị như sân bay quốc tế, cảng lớn… để vừa thuận tiện cho việc tiếp cận các công trình đầu mối quan trọng này vừa tránh được áp lực lên mạng lưới đường đô thị. Cũng chính với cách tiếp cận này, tôi đã kiến nghị ở phần trên về việc Chính phủ cần nghiên cứu hỗ trợ TPHCM sớm xây dựng hệ thống “đường chuyên dùng”.
Xin cảm ơn ông!