Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho rằng, Việt Nam hiện đang trong thời kỳ dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, dư địa tăng trưởng còn lớn. Nếu áp dụng các thành tựu KH-CN sẽ giúp tăng trưởng nhanh, bắt kịp với thế giới.

Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2020 (Techfest Việt Nam 2020) và Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp “Cùng đất nước vượt qua thách thức”, sáng 28-11, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với chủ đề “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Sự kiện do Bộ KH-CN phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ảnh 1 Quang cảnh diễn đàn sáng 18-11. Ảnh: MOST
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho rằng, Việt Nam hiện đang trong thời kỳ dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, dư địa tăng trưởng còn lớn. Nếu áp dụng các thành tựu KH-CN sẽ giúp tăng trưởng nhanh, bắt kịp với thế giới.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ. Trong đó, có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt. Các con số này liên tục tăng trong những năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của hệ sinh thái.
Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ảnh 2 Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: MOST 
Trong thời gian gần đây, Bộ KH-CN đang cùng các trường đại học xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo ngay trong trường đại học, trung tâm kỹ thuật hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ những người làm khởi nghiệp nhằm rút ngắn thời gian hình thành sản phẩm mẫu và sớm đưa vào doanh nghiệp của mình.
“Mỗi trường đại học, mỗi tập đoàn, mỗi tổ chức hỗ trợ cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của riêng mình, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong điều hành, quản trị; kết nối các mạng lưới chuyên gia, cựu sinh viên, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần hơn với doanh nghiệp và khách hàng, đẩy mạnh nghiên cứu mang tính ứng dụng, xuất phát từ quan điểm và nhu cầu của khách hàng. Và trên hết, chúng ta cần liên kết các hệ sinh thái này lại với nhau để tạo ra nguồn lực dồi dào cho khởi nghiệp sáng tạo”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, chưa bao giờ doanh nhân Việt lại bàn nhiều và thực sự đau đáu về các mô hình phát triển, về quản trị rủi ro, đổi mới sáng tạo như bây giờ. Dịch Covid-19 thời gian qua giống như một phép thử, có thể tạo ra những thay đổi lớn trong giới kinh doanh Việt. Vì thế, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở thời điểm hiện tại rất đặc biệt. “Khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là động cơ chính để kinh tế đất nước phát triển bền vững. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ là yêu cầu thành lập nhiều doanh nghiệp mới mà còn là yêu cầu làm mới với tất cả các doanh nghiệp đang tồn tại. Đặc biệt khởi nghiệp sáng tạo là mệnh lệnh của kỷ nguyên số”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ảnh 3 Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: MOST
Phó Chủ tịch VCCI cũng cho biết thêm, từ năm 2019, Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp quốc gia là đơn vị đề cử và tổ chức Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp toàn cầu; đã ký kết hợp tác với một số đối tác của cộng đồng Pháp ngữ, mạng lưới trí thức Việt Nam tại hải ngoại để mở rộng và kết nối với các nhà khoa học và đầu tư quốc tế.
Hiện tại VCCI đang tập hợp được đội ngũ chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam để triển khai các hoạt động khởi nghiệp chuyên sâu và cao cấp. Bên cạnh đó, năm 2020, UNDP của Liên hiệp quốc đã thông qua sự tài trợ từ Quỹ Thịnh vượng Anh, phối hợp với Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp quốc gia của VCCI để triển khai một số nội dung mới cho khởi nghiệp, trong đẩy mạnh việc xây dựng bộ tiêu chí về kinh doanh liêm chính cho nhà đầu tư và startup, đào tạo kinh doanh liêm chính cho các giảng viên, cố vấn khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ảnh 4 Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: MOST
Tại diễn đàn, bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, đã chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thụy Điển để quốc gia này trở thành một trong những quốc gia mạnh về đổi mới sáng tạo hiện nay.
Theo đó, Thụy Điển là nền kinh tế dựa trên tri thức và là một trong những quốc gia đổi mới, sáng tạo nhất trên toàn thế giới. Chính những chính sách của Thụy Điển đã tạo ra thành công. Bên cạnh đó, sự “cởi mở” trong tiếp nhận cũng như thích ứng của xã hội Thụy Điển đã thúc đẩy và kích thích sự đổi mới, sáng tạo của quốc gia này.
Theo bà Ann Mawe, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi khả năng thích ứng và bắt kịp các xu hướng công nghệ mới, phương thức mới trên thế giới, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể hợp tác, kết nối với các tập đoàn lớn cũng như với những tổ chức kết nối hỗ trợ startup.
Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ảnh 5 Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: MOST 
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung liên quan như: mạng lưới trí tuệ Việt hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vai trò của tập đoàn công nghệ trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp từ góc nhìn của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Đặc biệt, các đại biểu tập trung việc thúc đẩy hợp tác các nguồn lực, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.

Nằm trong Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM 2020 (WHISE 2020), chiều 28-11, ban tổ chức đã trao giải 3 cuộc thi: Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng AI của TPHCM năm 2020 (HAI-2020); giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2020 (I-Star 2020) và cuộc thi lập trình AI - Hackathon. Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã đến dự. 

Với cuộc thi HAI-2020, ban tổ chức đã trao 3 giải xuất sắc: Dự án Tầm soát bệnh Glôcôm qua ứng dụng phần mềm AI EYEDR (tác giả Phạm Thị Thủy Tiên - Bệnh viện Mắt TPHCM); Xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái (Phạm Thanh Toàn, Công ty cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart) và dự án Music ID (Lương Công Trung Nguyên, Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM). 

Ban tổ chức đã trao giải thưởng I-Star 2020 với nhiều nhóm giải, mỗi giải trị giá 50 triệu đồng. Ở nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, 3 startup đã nhận được giải thưởng là “Ứng dụng gọi xe Be” của Công ty cổ phần BE Group; dự án “Triip - Nền kinh tế du lịch phi tập trung” của Công ty Triip Pte Ltd; ứng dụng “BravoHR - Ứng dụng công nghệ vào quản lý nhân sự” của Công ty BravoHR. 

Ở nhóm những giải pháp tạo đột phá trong đời sống xã hội, nhận được sự yêu mến của công chúng, ban tổ chức đã trao giải cao nhất cho dự án “Cây ATM gạo - khẩu trang cho những người khó khăn trong dịch Covid-19” của Công ty cổ phần Vũ trụ xanh và dự án “S4Life - Ứng dụng hiến máu cứu người” của Quận đoàn 1. Cuộc thi lập trình AI - Hackathon thu hút 84 đội của 250 thí sinh đến từ các trường đại học, học viện tham gia. Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội Penguin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM. 

Tổng kết và bế mạc Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM 2020, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, với hàng loạt sự kiện và triển lãm, các cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của lãnh đạo bộ ngành trung ương, sở ngành thành phố và cộng đồng doanh nghiệp, khởi nghiệp. Đặc biệt với Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020 - AI4VN 2020, UBND TPHCM ghi nhận tất cả các ý kiến tham luận, góp ý, đề xuất của các diễn giả trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở đó, thành phố giao Sở TT-TT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện và tham mưu UBND TPHCM phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI TPHCM 2020-2030”.

Cùng ngày, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (IEC) - Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức chương trình “Gọi vốn đầu tư CiC 2020” cho 7 nhóm tác giả đoạt giải từ cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2020 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Cuộc thi CiC 2020 thu hút hơn 250 dự án với 700 thí sinh tham dự từ 84 trường đại học, cao đẳng trên khắp cả nước.


Tin cùng chuyên mục