Tại hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, cho biết ĐBSCL là vùng kinh tế năng động với nhiều tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, đóng góp 4 trong số 7 mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, có kim ngạch trên 1 tỷ USD. ĐBSCL hiện có gần 55.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Theo ông Tú, với mạng lưới 350 chi nhánh tổ chức tín dụng và trên 150 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, tín dụng của khu vực ĐBSCL những năm qua liên tục tăng và đạt bình quân khoảng 15% giai đoạn 2015-2018.
Đến cuối tháng 7-2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt gần 624 ngàn tỷ đồng, tăng 7,76% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn đạt trên 340.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp, người dân vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn, do một số khách hàng không trả được nợ vay khi đến hạn, thị trường xuất khẩu thiếu ổn định, cạnh tranh gay gắt, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng giảm, thiếu cơ chế và các quỹ dự phòng để xử lý rủi ro, phát sinh đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tín dụng. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngân hàng và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung.
Một số đại biểu dự hội nghị cho rằng, sự kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp là một sự hợp tác cùng có lợi. Bởi không có doanh nghiệp vay thì việc kinh doanh của ngân hàng không đạt hiệu suất cao, ngược lại doanh nghiệp không tiếp cận được vốn tín dụng thì việc đầu tư kinh doanh cũng ở mức hạn chế.
Chính vì vậy, đại biểu tham dự hội nghị kiến nghị NHNN cần có cơ chế điều hành tỷ giá ngoại tệ ổn định giúp doanh nghiệp không bị ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh theo phương án đã xây dựng.
Đồng thời, đề xuất ngân hàng xem xét có chính sách lãi suất cho vay phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh lương thực để giảm bớt phần nào chi phí lãi vay cho doanh nghiệp.
Từ thực tế trên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trong từng quý phải tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đi sâu từng lĩnh vực cụ thể để đạt hiệu quả cao hơn; nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng của ngân hàng với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần xem xét ưu tiên giảm lãi suất, tin tưởng doanh nghiệp hơn nữa, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để mở rộng tín dụng, bởi vốn ngân hàng chiếm đến 80% vốn đầu tư của nền kinh tế. Ngân hàng cam kết sẽ cung ứng vốn ổn định cho doanh nghiệp.