Ngày 18-4, tại TPHCM, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp UBND TPHCM tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (NH-DN) nhằm hỗ trợ các DN phát triển sản phẩm chủ lực tại TPHCM
16 tổ chức tín dụng tại TPHCM và Sở Công thương, Sở NN-PTNT, NHNN chi nhánh TPHCM đã ký kết bản ghi nhớ hỗ trợ tín dụng với các DN phát triển sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.
Tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết, tính đến hết năm 2018, các ngân hàng thương mại (NHTM) đăng ký gói tín dụng kết nối NH-DN trên địa bàn đã giải ngân cho vay khoảng 269.500 tỷ đồng đối với hơn 10.000 DN ở mọi lĩnh vực. Số tiền này vượt khoảng 9.500 tỷ đồng so với tổng số vốn mà đầu năm 2018 các NHTM đã cam kết cho vay theo chương trình này.
Riêng năm 2019, trên địa bàn TPHCM có 15 NHTM đăng ký tham gia chương trình với tổng số vốn đăng ký cho vay khoảng 269.262 tỷ đồng và tính đến cuối tháng 3, các NHTM đã giải ngân được 9.122 tỷ đồng cho 1.100 DN.
Sở Công thương TPHCM cho biết, chương trình ở TPHCM tập trung hỗ trợ DN phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP, tạo động lực khuyến khích DN đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư mở rộng ở lĩnh vực công nghiệp tại TPHCM từ 2018 đến 2020.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên…
Trong chính sách điều hành tín dụng năm nay, để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, dẫu phải thắt chặt tín dụng như thế nào, ngành ngân hàng vẫn ưu tiên đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên; đồng thời không tăng lãi suất từ nay đến cuối năm 2019.
Tháo gỡ vướng mắc cho DN
Dù đã góp phần giúp TPHCM đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 14,69%, dư nợ cho vay DN vừa và nhỏ đạt 346.248 tỷ đồng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TPHCM đạt 8,3%. Tuy nhiên, tại hội nghị, các DN vẫn than khó trong việc vay vốn.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho rằng, các DN vừa và nhỏ, nhất là các DN siêu nhỏ, vẫn rất khó trong tiếp cận vốn do thiếu tài sản thế chấp. Ngành ngân hàng cần cởi mở hơn trong việc quy định tài sản thế chấp đối với khối DN này, nhất là DN siêu nhỏ. Thay vì yêu cầu tài sản thế chấp, ngân hàng có thể xem xét cho vay tín chấp đối với những DN đầu đàn, có uy tín, có những sản phẩm tốt, năng lực kinh doanh hiệu quả.
Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, cũng kiến nghị ngành ngân hàng xem xét triển khai các gói “bao thanh toán” cho DN trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như ngoài việc căn cứ vào tài sản thế chấp để cung cấp hạn mức tín dụng, các NHTM có thể căn cứ vào hợp đồng cung cấp sản phẩm của DN để xem xét cho DN vay vốn.
Ông Lữ Nguyễn Xuân Vũ, Chủ nhiệm CLB Tam nông TPHCM, phản ánh, các DN trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng tương đối khó khăn hơn các DN thuộc lĩnh vực khác. Tài sản thế chấp thường là đất nông nghiệp được định giá thấp, cho vay khoảng 50% sau khi thẩm định giá… nên kiến nghị các cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ tốt hơn.
Hiện các DN trong CLB Tam nông đang phải vay lãi suất 8,8% - 11,8%/ năm tại 3 ngân hàng, trong đó có BIDV, dù Chính phủ và NHNN có chính sách hỗ trợ lãi suất 6,5%/năm. Ông Đào Minh Tú khẳng định, không có chuyện ngành ngân hàng bỏ quên, bỏ rơi lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; đồng thời yêu cầu BIDV xem xét rõ trường hợp DN phản ánh và phải áp dụng mức lãi suất cho vay 6,5%/năm.
Về việc này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm yêu cầu đầu tuần tới, NHNN chi nhánh TPHCM có buổi làm việc với BIDV và ông Lữ Nguyễn Xuân Vũ để làm rõ vấn đề lãi suất cũng như tháo gỡ những khó khăn mà các DN trong CLB Tam nông gặp phải, báo cáo kết quả với UBND TP.
Đồng chí Lê Thanh Liêm cho biết, đây chỉ là bước đầu cho Chương trình Kết nối NH-DN phát triển các sản phẩm chủ lực của TPHCM. Thời gian tới, TPHCM giao NHNN chi nhánh TPHCM tiếp tục chủ trì, phối hợp Sở Công thương và UBND các quận - huyện tổ chức các buổi kết nối cấp quận - huyện để ghi nhận tất cả ý kiến của DN.
Nếu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của TPHCM, lãnh đạo TP sẽ có giải pháp tháo gỡ. Về những khó khăn liên quan đến vay vốn kích cầu, cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp chủ lực… đồng chí Lê Thanh Liêm giao Sở Công thương, Sở NN-PTNT làm việc trực tiếp, hỗ trợ DN tức thì