Tạo đầu ra ổn định
Theo Saigon Co.op, duyên hải Nam Trung bộ là một trong hai khu vực đầu tiên mà nhà bán lẻ này đầu tư mở rộng phát triển mạng lưới. Cụ thể, vào năm 2003, nhà bán lẻ này đã mở điểm bán đầu tiên tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Đến nay, sau gần 20 năm, mạng lưới bán lẻ của Saigon Co.op đã phủ khắp các tỉnh, thành khu vực duyên hải Nam Trung bộ với 28 điểm bán, trong đó riêng 6 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có 26 điểm bán (bao gồm 12 siêu thị Co.opmart, 14 cửa hàng Co.op Food).
Thống kê từ Saigon Co.op cho thấy, quy mô doanh số năm 2022 của các điểm bán tại 6 tỉnh nói trên đã tăng hơn 70 lần so với thời điểm năm 2003, đạt gần 3.200 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng doanh số của toàn hệ thống (trong đó 4 tỉnh có quy mô doanh thu từ 400-700 tỷ đồng/năm là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận); phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của hàng chục ngàn lượt khách hàng mỗi ngày; đóng góp tích cực vào công tác bình ổn thị trường cùng hàng trăm chương trình an sinh xã hội, đồng thời giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động trực tiếp và gián tiếp với mức thu nhập bình quân khoảng 120 triệu đồng/người/năm.
Đại diện Saigon Co.op hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX khu vực duyên hải Nam Trung bộ cách thức đưa hàng vào siêu thị Co.opmart |
Theo ông Dương Minh Quang, Giám đốc Phòng kinh doanh Saigon Co.op, tất cả siêu thị của Saigon Co.op tại các tỉnh đều có gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm địa phương. Nhà cung cấp nhỏ lẻ bước đầu có thể bán hàng vào Co.opmart tại địa phương, đến khi phát triển quy mô lớn hơn thì có thể mở rộng cung cấp hàng cho siêu thị các địa phương lân cận hoặc cho hệ thống Co.opmart trên toàn quốc.
Thực tế cho thấy, tính riêng ở khía cạnh kết nối tiêu thụ hàng hóa, hiện nay, nhà bán lẻ này đang thu mua hàng hóa của hơn 160 nhà cung cấp trong khu vực với đa dạng chủng loại, đặc biệt là hàng nông sản thiết yếu như rau, củ, trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, gạo và các sản phẩm chế biến… Tổng sản lượng hàng của các tỉnh, thành trong khu vực đang cung ứng cho hệ thống Saigon Co.op đạt gần 7.500 tấn/năm với giá trị khoảng 200 tỷ đồng; đồng thời đóng góp hàng hóa hơn 160 container nông sản, thực phẩm chế biến được Saigon Co.op xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Theo đánh giá của lãnh đạo các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, với đặc trưng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, logistics còn yếu… nên năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong khu vực còn hạn chế, dễ xảy ra được mùa mất giá hoặc bị ép giá. Chính vì thế, thông qua sự kết nối từ Saigon Co.op đã giúp hàng hóa của địa phương có đầu ra ổn định, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi hơn.
Tiếp tục mở rộng mạng lưới
Liên quan đến kế hoạch phát triển sắp tới, thông tin tại hội nghị kết nối giao thương giữa TPHCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ được tổ chức mới đây, ông Dương Minh Quang, Giám đốc Phòng kinh doanh Saigon Co.op, cho biết: “Với vị thế dẫn đầu của hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước, Saigon Co.op đặt mục tiêu tổng doanh số của các điểm bán tại các tỉnh, thành trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ đạt 5.000 tỷ đồng năm 2025, đồng thời nâng quy mô thu mua hàng hóa trong khu vực lên 500 tỷ đồng/năm.
Để làm được điều này, Saigon Co.op mong muốn mở thêm một số siêu thị tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Ngoài ra, Saigon Co.op còn muốn mở trung tâm logistics tại khu vực này hoặc một địa điểm tích hợp vừa kinh doanh bán lẻ vừa làm kho logistics".
Cũng tại hội nghị, Saigon Co.op đã đề xuất lãnh đạo 6 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác với địa phương cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và hàng hóa địa phương có đầu ra ổn định. Saigon Co.op mong muốn làm việc với các sở, ngành các địa phương để lên kế hoạch chi tiết, cụ thể, tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch thương mại hiện đại, thương mại điện tử phù hợp với định hướng và quy hoạch của từng tỉnh, nâng lên 100 điểm bán vật lý với nhiều mô hình hiện đại khác nhau, đầu tư về tuyến huyện… đạt 8% doanh số từ thương mại điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số.
Song song đó, Saigon Co.op sẽ triển khai chuyên sâu, chuyên nghiệp trong công tác kết nối cung - cầu, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng hóa, giao thương hàng hóa giữa các tỉnh, thành duyên hải Nam Trung bộ với TPHCM; quy hoạch lại nguồn nguyên liệu, phân công rõ ràng, minh bạch, phát huy thế mạnh của các đối tác, nhà cung cấp, HTX tại từng địa phương theo quy hoạch kinh tế chung, phát triển đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP; có cam kết cụ thể nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ, thúc đẩy nâng cao chuẩn mực hàng hóa trong khu vực, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.