Mang thương hiệu Việt ra châu Âu
Cuối tháng 10-2022, trở về sau chuyến công tác châu Âu để tìm cơ hội đưa sản phẩm thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Luận (kiều bào Australia, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê nông sản Meet More) vui mừng khi đã ký kết được một số hợp đồng với doanh nghiệp các nước Pháp, Ba Lan, Đức… Bên cạnh việc mang về các hợp đồng kinh tế, ông Luận còn có cơ hội tìm hiểu thị trường “khó tính” này; qua đó tìm được thông tin chính xác định hướng cho các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu xuất khẩu qua thị trường châu Âu.
Từ chuyến công tác vừa qua, ông Luận nhận ra một số thị trường ở châu Âu chưa biết nhiều, thậm chí có cách nhìn và suy nghĩ không hay về các sản phẩm của Việt Nam. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đang nỗ lực xóa bỏ định kiến cũng như đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt đến các thị trường này. “Các doanh nhân kiều bào cũng như doanh nghiệp trong nước đang tìm cách quảng bá, lan tỏa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam ra toàn châu Âu. Hy vọng tương lai không xa, các sản phẩm mang thương hiệu Việt sẽ chinh phục thị trường châu Âu bằng nỗ lực và tâm huyết của cả cộng đồng”, ông Luận bày tỏ.
Cũng đang nỗ lực đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế, ông Steve Bùi (kiều bào Nhật Bản, Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C) cho hay, các quốc gia đang có nhu cầu rất lớn về nguồn cung nông sản. Kiều bào cũng đang tích cực tham gia giới thiệu, quảng bá, đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế. Họ như những “đại sứ” có vai trò quan trọng trong quảng bá giá trị văn hóa và sản phẩm hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho biết, dù sống ở nước ngoài nhưng kiều bào luôn hướng về Tổ quốc. Các doanh nhân, trí thức kiều bào sẵn sàng trở về đầu tư làm giàu và xây dựng quê hương, cũng như lan tỏa các sản phẩm mang thương hiệu Việt ra quốc tế, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thắt chặt sợi dây liên kết
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, hiện nay các doanh nghiệp ở Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn, đầu ra cho sản phẩm. Một số doanh nhân muốn về nước đầu tư nhưng không biết thực hiện các thủ tục như thế nào, không biết tìm ai để nhờ hỗ trợ. Bên cạnh đó, tính liên kết giữa các doanh nghiệp Việt chưa cao nên khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp của các quốc gia khác trên thị trường quốc tế còn thấp.
Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Lâm (kiều bào Nhật Bản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt - Nhật Tamura), cho rằng, số lượng doanh nghiệp do người Việt quản lý đang hoạt động ở nước ngoài là rất lớn nhưng chưa có sự liên kết chặt chẽ nên chưa khai thác được tiềm năng. Nếu cơ quan chức năng tìm được “sợi dây” kết nối các doanh nghiệp trong nước với nước ngoài thì việc xuất khẩu hàng hóa, quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. “Điểm tựa của doanh nghiệp trong nước chính là những doanh nghiệp ở nước ngoài do người Việt làm chủ. Bởi họ am hiểu văn hóa, nhu cầu sản phẩm của người dân địa phương của nước sở tại”, ông Lâm nói.
Theo ông Peter Hồng, những năm qua, Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ở nhiều quốc gia nhằm kết nối cơ hội đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp ở các nước. Trong bối cảnh hiện nay, ông cho rằng cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kết nối hệ thống doanh nghiệp kiều bào và doanh nghiệp trong nước để xuất khẩu hàng hóa, tạo sức mạnh cộng hưởng chung cho nội lực kinh tế Việt Nam phát triển.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM Trần Đức Hiển cho biết, những năm qua, TPHCM đã thực hiện nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ. Thành phố cũng đưa ra các chính sách tiền lương, phụ cấp tương xứng, tạo điều kiện thuận lợi để chuyên gia, trí thức kiều bào làm việc. Qua đó, TPHCM đã thu hút hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư kinh doanh, hợp tác nghiên cứu, làm việc dài hạn.
Từ đầu năm đến nay, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các kiều bào, doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Chúng tôi sẽ cố gắng, phối hợp cùng các sở, ngành có các giải pháp hỗ trợ kiều bào trong việc xử lý thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp thành phố để thu hút đầu tư cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Trần Đức Hiển khẳng định.
Hiện nay, có khoảng hơn 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, hơn 2 triệu kiều bào xuất thân hoặc có liên hệ với TPHCM. Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới - với khoảng hơn 10 tỷ USD/năm, riêng TPHCM chiếm khoảng 50%. TPHCM có hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45.000 tỷ đồng, thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu, đầu tư và làm cầu nối các hợp tác quốc tế. |