Tham gia chương trình có 45 DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam và 9 DN FDI là các tập đoàn đang hoạt động sản xuất tại Việt Nam (Bosch, Canon, Datalogic, Denso, Ford, General Electronic, Panasonic, Toyota).
Mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng còn hạn chế
Theo ông Trần Quang Hà, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), hiện nay số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT là khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 DN sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày (chiếm gần 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Các DN CNHT tập trung chủ yếu ở khu vực sản xuất linh kiện kim loại và sản xuất linh kiện điện - điện tử. Các DN CNHT có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực, như sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn, dây cáp điện, linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật, vỏ ruột xe các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới.
Mặc dù các DN CNHT Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn rất hạn chế. Phần lớn các DN trong nước chỉ là DN cấp 3, cấp 4; chỉ một số ít trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2. Sản phẩm chủ yếu là linh kiện, chi tiết đơn giản, có hàm lượng công nghệ và giá trị thấp. Cụ thể, đối với CNHT ngành ô tô, theo số liệu thống kê mạng lưới các DN CNHT thì có 84 DN cấp 1 và 145 DN cấp 2, cấp 3, nhưng phần lớn là DN FDI. Chỉ có một số ít DN cung ứng trong nước cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô đơn giản, như chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, vỏ ca bin, cửa xe, vỏ ruột xe…
Với CNHT ngành điện tử, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu điện tử kim ngạch đạt khoảng 75 tỷ USD. Tuy nhiên, 95% kim ngạch xuất khẩu điện tử đến từ khu vực FDI. Các nhà cung ứng cấp 1 cho ngành cũng chủ yếu là DN FDI. Các DN trong nước phần lớn tham gia vào cấp 2, 3, số lượng không nhiều, chủ yếu là linh kiện cơ khí, nhựa, cao su có giá trị thấp và một số linh kiện vật tư khác (bao bì, khuôn, đồ gá).
Thực tế cho thấy, trong số khoảng 200 nhà cung ứng cho Samsung, hiện nay mới có 35 DN Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1; còn lại phần lớn là DN nước ngoài. Các DN Việt Nam chủ yếu là cung cấp bao bì và chi tiết đơn giản. Tương tự, trong số khoảng 40 nhà cung ứng cho Panasonic Việt Nam, mới có 3 DN thuần Việt và giá trị đơn hàng cung ứng chiếm chưa đến 10% tổng giá trị linh kiện đầu vào.
Mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, nhận định thách thức lớn nhất của ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và CNHT nói riêng là năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Bên cạnh đó, tính hợp tác - liên kết giữa các DN trong cùng một ngành, một lĩnh vực nhìn chung còn yếu. Về nguồn nhân lực, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, song tỷ lệ lao động có tay nghề, lao động được đào tạo bài bản còn thấp...
Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt, khi mà các nhà sản xuất - nhất là các tập đoàn lớn, các công ty xuyên quốc gia - đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng, sự thay đổi mẫu mã thường xuyên… thì việc thâm nhập của DN Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu là không hề đơn giản, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa, DN mới. Theo ông Lê Dương Quang, để thâm nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trước hết cần sự nỗ lực của bản thân mỗi DN. Cụ thể, DN cần phải hiểu rõ nhu cầu của đối tác tiềm năng, từ đó xác định xem mình có thể làm được gì. Việc nắm bắt thông tin về đối tác có thể qua nhiều nguồn (website, các hội chợ - triển lãm, xu hướng của thế giới trong mỗi ngành, thông tin từ các hiệp hội…). Đồng thời, DN cần chú trọng việc tìm hiểu, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, việc áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chuyên ngành là điều kiện bắt buộc để có thể tham gia chuỗi cung ứng (ví dụ: DN muốn cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các nhà sản xuất ô tô thì ngoài những tiêu chuẩn phổ biến như ISO 9000, ISO 14000, ISO 26000… mà ngày nay hầu như DN nào cũng phải đáp ứng, thì còn buộc phải đạt tiêu chuẩn TS 16949).
Một điều quan trọng để giúp DN thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, theo các chuyên gia, đó là DN sau khi tìm hiểu đối tác và nhu cầu, xu hướng thị trường, phải dám chấp nhận rủi ro (trên cơ sở chú trọng nâng cao năng lực quản trị rủi ro), mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất cho sản phẩm. Đối với DN mới, đôi khi phải chấp nhận làm nhà cung ứng (vendor) thứ cấp như là bước đầu tham gia chuỗi cung ứng. Trường hợp Công ty cổ phần Sản xuất điện tử Thành Long hay Công ty cổ phần CNHT Minh Nguyên có thể xem là những ví dụ tương đối điển hình.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Châu Bá Long, Tổng Giám đốc Công ty Minh Nguyên, “bật mí” để có thể trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung như hiện nay, năm 2016, sau khi tìm hiểu nhu cầu từ Samsung, Minh Nguyên đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại trị giá hơn 800 tỷ đồng.
Công ty Thành Long khởi nghiệp năm 2006, với sản phẩm ban đầu là bảng mạch điện tử đơn giản, cung cấp cho một số công ty nhỏ trong nước. Khi các tập đoàn lớn như Canon, Panasonic, Brother, Samsung, LG… đầu tư vào Việt Nam, Thành Long nhận ra cơ hội lớn nên đã quyết định đầu tư mở rộng sản xuất, mua sắm thiết bị hiện đại, mời chuyên gia nước ngoài và tích cực tìm kiếm đối tác. Thành Long đã tìm đến Công ty Wonkyung là vendor cấp 1 về bảng mạch cho Samsung và đàm phán thành công việc gia công hàng cho Wonkyung. Sau đó, thông qua Wonkyung đã mở rộng việc cung cấp hàng cho các vendor cấp 1 khác của Samsung. Sau khi tạo dựng được uy tín, từ năm 2017, Thành Long chính thức trở thành vendor cấp 1 cho Samsung. Hiện nay, ngoài Samsung, Thành Long còn cung cấp sản phẩm cho Canon, Panasonic, Jaguar (máy khâu), LG, xuất khẩu sang Đức và bắt đầu tiến vào thị trường Mỹ. |