Tại buổi làm việc, diêm dân bày tỏ những khó khăn đối với việc sản xuất muối trong 2 năm gần đây: Giá muối giảm mạnh, sản xuất không có lãi khiến đời sống gặp khó khăn. Theo ông Lê Văn Trung (ngụ ấp 6, xã Bảo Thạnh), gia đình có 6.000m² diện tích sản xuất muối. Tuy nhiên, 2 năm nay giá muối giảm. Chương trình làm muối trải bạt, muối kết tinh có màu trắng, năng suất cao nhưng phải có vốn mới làm được. Trong khi nhiều hộ không có vốn để đầu tư...
Ông Dương Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri, cho biết: “Toàn huyện có 750 hộ làm nghề muối với diện tích 795ha. Riêng xã Bảo Thạnh chiếm 600ha, sản lượng trong năm đạt 12.700 tấn. Thời điểm hiện tại, giá muối trải bạt được các thương lái thu mua với giá 45.000 đồng/giạ. Muối không phủ bạt có giá 35.000 đồng/giạ. Giá muối thấp nên diêm dân không có lãi. Hiện lượng muối còn tồn đọng khoảng 12.000 tấn. Muối làm kiểu truyền thống lẫn nhiều tạp chất nên chỉ được sử dụng để ướp cá, chế biến nước mắm và sản xuất nước đá…”. Cũng theo ông Chương, để bảo tồn làng nghề truyền thống sản xuất muối hột, UBND huyện Ba Tri đã quy hoạch diện tích vùng muối tập trung là 600ha, giai đoạn 2021-2030, tại 2 xã Bảo Thạnh và Bảo Thuận. Tới đây sẽ hỗ trợ người dân đổi mới công nghệ sản xuất muối truyền thống sang kết tinh trên ô trải bạt, thành lập hợp tác xã sản xuất muối và kết nối doanh nghiệp tạo thị trường tiêu thụ muối ổn định.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, để phát triển nghề muối, trước tiên phải tổ chức lại sản xuất, cần có hợp tác xã. Bên cạnh đó, phải có liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra, sản xuất theo yêu cầu doanh nghiệp, theo thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí, công lao động trên cánh đồng muối.