Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật xung quanh đề án này.
Thứ trưởng NGUYỄN NHẬT: Thời gian gần đây, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL đã được quan tâm với nhiều công trình giao thông lớn như: cầu Cần Thơ, Hàm Luông, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Năm Căn, tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam Sông Hậu… Về đường thủy, dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 1 và dự án luồng sông Hậu giai đoạn 1 cũng đã hoàn thành. Thế nhưng, việc đi lại của người dân còn chưa thuận tiện, giao thương còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do tính kết nối của toàn mạng lưới chưa cao, dẫn đến việc đầu tư hạ tầng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Do đó, Bộ GTVT đã quyết định xây dựng đề án kết nối mạng lưới giao thông các tỉnh ĐBSCL.
Theo đánh giá của ông, hiện kết cấu hạ tầng giao thông khu vực này và khả năng kết nối của toàn hệ thống đang ở mức nào?
ĐBSCL là vùng sông nước nhiều, chiếm đến 64% vận tải thủy nội địa toàn quốc. Tuy nhiên, hiện các tàu tải trọng lớn vào sông Tiền, sông Hậu chỉ khoảng 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải, chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu hàng hóa từ ĐBSCL. Bên cạnh đó, vận tải thủy để thông suốt 13 tỉnh ĐBSCL lên TPHCM và vùng Tây Nam bộ còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là tuyến kênh Chợ Gạo. Về đường bộ, mặc dù đã được đầu tư nhiều nhưng hiện tuyến quốc lộ 1, TPHCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận đều bị quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Các tuyến N1, N2 cũng đã được xây dựng với mục tiêu kết nối các tuyến đường bộ nhưng chỉ ở cấp 4, cấp 5, chưa đảm bảo nhu cầu. Về đường hàng không, hiện Cảng hàng không Phú Quốc vượt công suất 5 triệu hành khách/năm nhưng Cảng hàng không Cần Thơ lại chỉ đạt khoảng 15% công suất… Đặc biệt, việc kết nối các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy, đường không trong khu vực này còn kém, dẫn đến chi phí logistics cao. Nếu chúng ta tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông mà không có phương án kết nối các phương thức vận tải thì cũng không thể phát huy hết hiệu quả của việc đầu tư cũng như không thể giảm được chi phí vận tải trong khu vực.
Vậy đề án kết nối giao thông khu vực ĐBSCL đặt ra những mục tiêu như thế nào?
Từ việc phân tích, đánh giá toàn diện hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực, đề án sẽ xác định nhu cầu vận tải, đánh giá tiềm năng, lợi thế của khu vực, xu thế phát triển, từ đó đề xuất các phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối đồng bộ giữa các phương thức vận tải trong khu vực. Đặc biệt, đề án sẽ đề xuất phương án kết nối các cảng biển với các khu công nghiệp, cửa khẩu, các trung tâm chính trị, kinh tế của vùng; xây dựng lộ trình, thứ tự ưu tiên, phương án và hình thức đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực. Sau khi hoàn thành đề án, Bộ GTVT sẽ công bố rộng rãi vì đề án này vừa hỗ trợ công tác quản lý nhà nước vừa kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Cụ thể, kết quả phân tích của đề án sẽ giúp Bộ GTVT xem xét phân bổ đầu tư hợp lý cho từng loại hình vận tải, tránh đầu tư thiên lệch gây lãng phí. Đề án cũng sẽ giúp các địa phương biết được những lợi thế hay bất cập trong khu vực của mình để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đặc biệt, các nhà đầu tư sẽ biết được cái gì địa phương cần và mình có khả năng đầu tư phù hợp vào lĩnh vực nào, các doanh nghiệp vận tải cũng nhìn nhận về năng lực vận tải của khu vực để chọn phương thức phối hợp tối ưu.
Trong khi chờ đề án được triển khai, người dân đang rất bức xúc vì một số công trình giao thông mới ở khu vực ĐBSCL vừa đưa vào khai thác đã bị quá tải, ví dụ như cầu Rạch Miễu, cao tốc TPHCM - Trung Lương. Theo ông, thực tế này cho thấy nhu cầu giao thông khu vực này phát triển quá nhanh hay công tác dự báo về lưu lượng phương tiện chưa sát với thực tế? Việc khắc phục trong thời gian tới ra sao?
Các công trình này, trong các nghiên cứu trước đó, Bộ GTVT đều đề xuất xây dựng quy mô 4-6 làn xe nhưng do nguồn vốn không cho phép nên phải thu hẹp quy mô. Hiện nguồn vốn nhà nước vẫn rất hạn chế, kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 ngành giao thông không có dự án nào mới. Trong khi đó, việc triển khai các dự án BOT thời điểm này đang còn một số vướng mắc về cơ chế chính sách, do hình thức đầu tư BOT chưa có luật, mới có nghị định. Tuy nhiên, Bộ GTVT chủ trương vẫn cứ làm, tắc đến đâu xử lý đến đấy. Hiện Nam bộ nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng vẫn có một số dự án BOT đang được triển khai, ví dụ như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và sắp tới sẽ triển khai các dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2... Về đường thủy, hiện dự án kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 1.476 tỷ đồng đang trong giai đoạn lập phương án đầu tư, dự án luồng sông Hậu giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 1.515 tỷ đồng đang chờ báo cáo Quốc hội phê duyệt. Như vậy, giao thông khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục được cải thiện.
Bộ GTVT yêu cầu đề án hoàn thành vào tháng 4-2019. Theo ông, thời gian ngắn như vậy có đủ để hoàn thành và đề án đảm bảo chất lượng?
Nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là cập nhật lại cơ sở dữ liệu đã có trong các đề án giao thông tổng thể khu vực Tây Nam bộ đã được phê duyệt năm 2016, từ đó phân tích và đề xuất phương án kết nối. Hiện công việc đã được triển khai rất nhanh, tôi tin là đề án có thể hoàn thành sớm hơn thời hạn với chất lượng tốt.
Xin cảm ơn ông!