Kết nối để phát triển

Theo dự báo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, số lượng hành khách lên xuống tại các nhà ga trong toàn tuyến metro số 1 sẽ vượt quá mức độ phát sinh nhu cầu trong khu vực lân cận các nhà ga trong bán kính đi bộ 500m.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua sông Sài Gòn. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua sông Sài Gòn. Ảnh: THÀNH TRÍ

Song song đó, mức độ phân bổ và phát triển dân cư dàn trải hiện nay của thành phố cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành của tuyến metro số 1 nếu khâu tổ chức, phối hợp và liên kết giao thông không đồng bộ. Sau khi khảo sát, nghiên cứu, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đề xuất ý tưởng về việc quy hoạch mặt bằng và thiết kế các công trình liên phương thức tại khu vực các nhà ga thuộc tuyến metro số 1.

Trong chiều hướng này, sự bổ trợ của phương thức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là một phương án khả thi và hiệu quả, giúp thu gom và giải tỏa hành khách từ các nhà ga của tuyến metro số 1 tới các khu vực khác và ngược lại. Không những thế, việc kết nối các nhà ga của tuyến metro số 1 với các tuyến buýt trục chính, tuyến buýt nhánh và tuyến buýt gom sẽ giúp tạo thành một hệ thống giao thông công cộng hợp nhất đa phương thức, cộng với nỗ lực của mỗi phương thức vận tải riêng lẻ sẽ giúp đem lại hiệu quả tổng thể. Cuối cùng, những điều này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận và phát huy khả năng vận tải hành khách của tuyến metro số 1.

Trong việc phát triển và phối hợp đa phương thức vận tải hành khách công cộng giữa metro và xe buýt, vấn đề cần sớm thực hiện là đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để tạo điều kiện cho người dân/hành khách dễ dàng tiếp cận một cách nhanh chóng, an toàn và dễ dàng bằng hệ thống xe buýt với các nhà ga của tuyến metro số 1.

Đầu tháng 6 qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã thống nhất chủ trương đầu tư công dự án với tên gọi “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên”. Dự án này hướng tới việc điều chỉnh mạng lưới các tuyến xe buýt dọc hành lang xa lộ Hà Nội, tức là dọc theo phần lớn hành trình của tuyến metro số 1, qua đó kết nối 2 loại hình vận tải hành khách công cộng này nhưng vẫn phù hợp với định hướng phát triển mạng lưới tuyến xe buýt phân cấp cho TPHCM, phát huy hiệu quả khai thác của tuyến metro số 1.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT - đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án), cho biết hàng loạt trạm dừng xe buýt có mái che, các điểm dừng xe buýt, trạm trung chuyển xe buýt, bến xe buýt đầu - cuối… sẽ được đầu tư xây dựng. Sở GTVT cũng tổ chức mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến metro số 1 trên cơ sở điều chỉnh tuyến xe buýt hiện hữu và mở các tuyến xe buýt mới dọc hành lang xa lộ Hà Nội. Kêu gọi các đơn vị vận tải đầu tư thêm phương tiện để khai thác, vận hành các tuyến xe buýt gom mở mới với số lượng phương tiện bổ sung dự kiến là 130 xe.

Các chuyên gia nhận xét rằng, việc tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với các nhà ga của tuyến metro số 1 sẽ đem lại những hiệu quả tích cực về kinh tế lẫn xã hội. Việc điều chỉnh mạng lưới tuyến xe buýt dọc hành lang xa lộ Hà Nội và xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật giúp hành khách tiếp cận an toàn, dễ dàng với các nhà ga trên tuyến metro số 1 sẽ giúp khai thác hiệu quả tuyến metro đầu tiên của thành phố. Không những thế, trên bình diện xã hội, việc kết nối đồng bộ, thuận tiện các loại hình vận tải hành khách công cộng, ở đây là metro và xe buýt, sẽ đem lại tác dụng khác là thu hút người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thay vì sử dụng phương tiện cá nhân. Đây lại là tiền để kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Tin cùng chuyên mục