Hội nghị nhằm mục đích bàn về giải pháp chống thực phẩm bẩn và xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu góp phần gia tăng giá trị nông sản. Theo các chuyên gia, mặc dù có tiềm năng để sản xuất thực phẩm sạch nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với các nguy cơ về mất ATTP. Tình trạng này không chỉ làm mất lòng tin của người tiêu dùng, gây khó khăn cho các DN mà còn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt trong hội nhập.
Lý giải về điều này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý ATTP cho rằng, nguyên nhân do chế tài xử lý các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa chặt chẽ. Một bộ phận lớn người tiêu dùng vẫn chuộng hàng giá rẻ khiến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch gặp không ít khó khăn.
Do vậy, một trong những giải pháp hiệu quả đẩy lùi thực phẩm bẩn là các cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ thị trường không để thật, giả lẫn lộn, có chế tài nghiêm khắc trong xử lý các hành vi vi phạm về ATTP để người tiêu dùng có lòng tin vào các sản phẩm an toàn.
Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thông qua các mô hình hợp tác chuỗi liên kết có sự tham gia của 4 bên (doanh nghiệp bao tiêu đầu ra của sản phẩm; tỉnh, thành có vùng canh tác để sản xuất nguồn thực phẩm sạch; BSA với vai trò tư vấn và công nhận đơn vị tham gia theo bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập và Ban quản lý ATTP với vai trò thẩm định chứng nhận, kết nối cho nông dân và doanh nghiệp) sẽ cùng nhau tham gia thu mua chế biến, sản xuất và nhà phân phối nhằm đảm bảo một chuỗi sản xuất khép kín, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, cùng với việc xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập thì việc tham gia vào chuỗi vì ATTP sẽ giúp thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trên thị trường.