Hiện có nhiều quốc gia Mỹ Latinh cung cấp hàng hóa cho Nga, một cách độc lập hoặc thông qua các công ty hậu cần, với 3 hoặc 4 điểm dừng, đồng thời mua hàng hóa của Nga với mức giá phải gánh thêm một khoản phí vận tải đáng kể.
Chuyên gia kinh tế Nga đánh giá cao vị trí địa lý và kinh tế của cảng Mariel, cách thủ đô La Habana của Cuba 45km về phía Tây, và đề xuất sử dụng cảng này làm trung tâm hậu cần. Cuba trước đó đã thành lập một đặc khu kinh tế tại cảng Mariel vào năm 2015 và áp dụng một chế độ thuế, hải quan ưu đãi nhằm kích thích và thu hút đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz cũng đề xuất Liên minh Kinh tế Á - Âu thành lập một khu công nghiệp trong đặc khu kinh tế Mariel để tạo điều kiện cho đầu tư của Nga tiếp cận thị trường Mỹ Latinh.
Tại cuộc họp với Bộ trưởng Du lịch Cuba Juan Carlos García Granda, Cố vấn tổng thống về hợp tác quốc tế của Nicaragua Laureano Ortega Murillo và Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodríguez mới đây, ông B.Titov đã nêu bật ý tưởng thiết lập một hệ thống vận tải duy nhất tích lũy hàng hóa từ Mỹ Latinh đến Nga và từ Nga đến một cảng của Mỹ Latinh, để tất cả các bên cùng chia sẻ hải trình dài này và qua đó giảm bớt chi phí vận tải. Hàng hóa sau đó sẽ được tập trung tại một trung tâm hậu cần và các doanh nghiệp vận tải địa phương sẽ chịu trách nhiệm phân phối.
Ông B.Titov lập luận rằng những thay đổi trong chuỗi hậu cần sau khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ Nga sang Mỹ Latinh tăng đáng kể, làm ảnh hưởng đến trao đổi thương mại song phương. Nếu như trước đây, chi phí vận chuyển lô hàng hóa từ Nga sang Mỹ Latinh là khoảng 6.000 USD, thì giờ đây con số này ít nhất cũng khoảng 20.000 USD.
Không chỉ Nga, Ủy ban châu Âu cũng khẳng định khối này muốn “làm mới” mối quan hệ của Liên minh châu Âu với các nước Mỹ Latinh và Caribe tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới ở Brussels (Bỉ), nhằm tạo dựng một “quan hệ đối tác chính trị mới”.