Kết nối và thành công
Đây cũng là hội nghị có quy mô lớn nhất kể từ trước đến nay, thu hút 2.341 doanh nghiệp (DN) đến từ 45 địa phương của cả nước, bao gồm 1.458 DN cung ứng và 883 DN thu mua; trong đó có 42 đơn vị phân phối hiện đại, 100 DN đầu mối xuất khẩu, 140 nhà hàng đạt chuẩn du lịch, 120 khách sạn chuẩn 3 sao trở lên, 167 DN suất ăn công nghiệp, 314 bếp ăn tập thể trên 500 suất ăn/ngày.
Đáng chú ý, hội nghị năm nay tiếp tục giới thiệu trực tiếp đến nhà thu mua, người tiêu dùng TPHCM gần 2.000 mặt hàng của 558 DN trưng bày tại 449 gian hàng, gồm khu vực trưng bày các sản phẩm đặc sản, sản phẩm vùng miền, ngôi nhà địa phương, khu vực trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, sản phẩm uy tín của TPHCM và các tỉnh thành.
Đây cũng là nơi để nhà sản xuất và phân phối gặp gỡ, tìm hiểu sản phẩm, bàn bạc để đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác và bao tiêu sản phẩm. Trong đó, những hệ thống phân phối lớn của TPHCM như Saigon Co.op, Satra, Big C… cung cấp các thông tin về quy trình sản xuất và đóng gói để các nhà cung cấp từ các tỉnh thành có thể hình dung công đoạn sản xuất các sản phẩm này, từ đó tạo thêm nguồn cung về thực phẩm sạch cho thị trường TP.
Hạn chế cần khắc phục
Theo đánh giá của UBND TPHCM, trong khuôn khổ hợp tác thương mại, từ năm 2012, Sở Công thương TPHCM đã triển khai tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm tạo điều kiện cho DN có cơ hội tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN TPHCM nói riêng và các tỉnh thành trong cả nước nói chung.
Qua 8 năm triển khai thực hiện, xét về quy mô, hiệu quả của hội nghị ngày càng được mở rộng, hàng hóa dồi dào, phong phú; số lượng địa phương, DN tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều. Lũy kế đến nay có 2.796 hợp đồng nguyên tắc được ký kết về cung ứng và tiêu thụ hàng hóa.
Mặc dù đã gặt hái được những kết quả, nhưng theo nhận định của các bên tham dự, hội nghị vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương chưa được khai thác triệt để do thiếu gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng.
Việc trao đổi kinh nghiệm đào tạo nâng cao năng lực, nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa được chú trọng tại một số địa phương; từ đó dẫn đến việc phối hợp triển khai chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, năng lực quản lý, cạnh tranh chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Bên cạnh đó, công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối đến nay còn khó khăn thách thức khi nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương do DN vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công chưa đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia vào chuổi cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại.
Đồng thời các đơn vị sản xuất này cũng chưa có điều kiện tiếp cận được quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn tiếp nhận hàng hóa tại các hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng việc tổ chức hội nghị cung - cầu với mục tiêu tạo điều kiện phát triển sản xuất các mặt hàng nông sản tiềm năng hướng đến xuất khẩu. Thực tế cho thấy, thị trường nội địa đang trở thành nền tảng của nền kinh tế, lượng tiêu thụ hàng hóa ngày càng lớn, doanh thu bán lẻ tăng cao, chứng tỏ sức hút từ thị trường nội địa rất lớn; do vậy để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản xuất trong nước, cần có nhiều hơn nữa các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre mong muốn TPHCM sẽ tích cực hơn nữa trong việc cung cấp thông tin về thị trường, quy cách sản phẩm, các quy định về việc đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối để DN có thể nắm bắt và triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả ngày càng cao cho chương trình kết nối. |