Kết nối cung - cầu phát triển thị trường công nghệ

Thời gian qua, Sàn giao dịch công nghệ (Trung tâm Thông tin và thống kê khoa học - công nghệ, Sở KH-CN TPHCM) đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Nam khi có nhu cầu chuyển giao, tìm kiếm công nghệ phục vụ cho hoạt động sản xuất…

Cùng doanh nghiệp tìm đầu ra

Ông Phan Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS (Công ty ITS), cho biết: "Những ngày đầu khởi nghiệp, công ty gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc thay đổi thói quen và nhận thức của người dân, doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất. Nhờ vào sự hỗ trợ từ Sàn giao dịch công nghệ của Sở KH-CN TPHCM mà các sản phẩm, giải pháp của công ty đã đến với thị trường. Nhiều đơn vị tại Việt Nam đã ứng dụng các công nghệ của chúng tôi vào quá trình sản xuất".

k1m-9814.jpg
Máy sấy sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời được giới thiệu tại Sàn giao dịch công nghệ TPHCM. Ảnh: BÙI TUẤN

Cụ thể, tại Hội chợ công nghệ và thiết bị năm 2023 (Techmart 2023), Công ty ITS đã giới thiệu các sản phẩm máy sấy đa năng, ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời dùng để sấy sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam. Ngay sau đó, công ty đã nhận được sự hợp tác chuyển giao công nghệ sản phẩm của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN TP Cần Thơ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Ninh Thuận…

Song song đó, Công ty ITS cũng hoàn thiện thiết bị lọc nước biển hoặc nước nhiễm mặn thành nước ngọt ứng dụng năng lượng mặt trời, và kỳ vọng tiếp tục được chuyển giao công nghệ rộng rãi. “Có thể khẳng định, sàn giao dịch công nghệ đã góp phần quan trọng vào quá trình thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu của công ty chúng tôi”, ông Phan Văn Hiệp chia sẻ. Trong khi đó, bà Đinh Thị Hồng Sương, Giám đốc Công ty D&H Retek USA, cho biết, tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại Việt Nam, thậm chí là phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp…, công ty đã nghiên cứu, phát triển các sản phẩm sinh học phục vụ đời sống. Những ngày đầu, công ty gặp khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường. Thông qua sàn giao dịch công nghệ của Sở KH-CN TPHCM, công ty đã kết nối với các đơn vị, mạng lưới chuyên gia ở trong nước và quốc tế để chuyển giao các công trình nghiên cứu, ứng dụng vào quá trình sản xuất.

“Đến nay, nhiều bạn trẻ, nhà khởi nghiệp trên khắp cả nước đã liên hệ với chúng tôi để tìm hiểu về công nghệ chiết xuất tinh dầu, quy trình thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường, phương thức để khởi nghiệp thành công... Đến nay, đã có 6 doanh nghiệp khởi nghiệp thương mại hóa sản phẩm thành công từ các nghiên cứu của D&H Retek USA”, bà Đinh Thị Hồng Sương cho hay. Theo báo cáo của sàn giao dịch công nghệ, trong năm 2023, đơn vị đã hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho gần 400 nhà cung ứng, bao gồm các viện - trường, doanh nghiệp, với hơn 8.000 lượt khách hàng. Cổng thông tin Techport của sàn cũng cập nhật, bổ sung 1.300 thiết bị công nghệ của hơn 115 nhà cung ứng, hàng trăm dự án tìm kiếm đối tác… để phục vụ các doanh nghiệp khi có nhu cầu đổi mới công nghệ.

k4c-8488.jpg
Văn phòng Kinh tế và thương mại Israel tại Việt Nam giới thiệu các thiết bị công nghệ trong lĩnh vực y tế của Israel tại Techmart công nghệ và thiết bị năm 2023

Khẳng định vai trò kết nối

Đánh giá về hoạt động mua bán, chuyển giao công nghệ, đại diện Sở KH-CN TPHCM nhận định, so với nhu cầu thực tiễn, thị trường KH-CN đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung hàng hóa, hoạt động mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị. Thực tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Dù vậy, các hoạt động của sàn giao dịch công nghệ đã từng bước tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác ba bên, nhận được sự tin cậy của doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin và thống kê KH-CN TPHCM, để vận hành sàn giao dịch công nghệ hiệu quả, trung tâm đã xây dựng hạ tầng CNTT, bao gồm hệ thống cơ sở dữ liệu, nguồn cung ứng công nghệ trong và ngoài nước; mạng lưới đối tác góp phần thúc đẩy kết nối cung - cầu với các hiệp hội doanh nghiệp, viện - trường, trung tâm nghiên cứu, chuyên gia... Ngoài ra, trung tâm chú trọng xây dựng quy trình tư vấn, kết nối chuyển giao công nghệ và quy trình quản trị hệ thống giao dịch trực tuyến nhằm xúc tiến chuyển giao công nghệ. Để bắt kịp làn sóng phổ biến công nghệ trên các nền tảng mạng xã hội, trung tâm cũng tổ chức các hoạt động hiệu quả như giới thiệu công nghệ trên YouTube, livestream giới thiệu sản phẩm…

“Trung tâm xác định mục tiêu lớn nhất của sàn giao dịch công nghệ là kết nối cung - cầu, tạo cơ hội để triển khai các giao dịch sản phẩm, dịch vụ KH-CN. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp các quy trình chuyên môn, trong những năm qua, trung tâm đã triển khai tốt hiệu quả kết nối; đồng thời hỗ trợ chuyên sâu về pháp lý, chính sách và quá trình thương lượng đàm phán hợp đồng cho doanh nghiệp khi chuyển giao, mua bán công nghệ…”, ông Nguyễn Đức Tuấn thông tin.

Ông Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, nhận định, Trung tâm Thông tin và thống kê KH-CN TPHCM đã thúc đẩy, gắn kết hoạt động nghiên cứu và phát triển với hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; hỗ trợ tích cực cho các hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo của các trường đại học và tư nhân; thúc đẩy cộng đồng các tổ chức KH-CN tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH-CN của thành phố. Để sàn giao dịch công nghệ đạt thêm nhiều kết quả trong hoạt động, trung tâm cần tiếp tục thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ; đồng thời xác định mục tiêu đưa KH-CN trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa; nghiên cứu cải tiến chất lượng dịch vụ; phát triển các dịch vụ của trung tâm trên nền tảng trực tuyến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tin cùng chuyên mục