“Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển nền nông nông nghiệp từ dựa vào tài nguyên đất đại, lao động sang nền nông nghiệp khoa học công nghệ, sáng tạo. Nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp 4.0 phải dựa vào các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực về tài chính, tạo ra sản lượng lớn, chất lượng cao; truy xuất được nguồn gốc” – đây là ý kiến của tiến sĩ Lê Văn Bảnh - nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, tại diễn đàn Kết nối cung cầu Nông sản chủ lực vùng ĐBSCL năm 2018, tổ chức tại Cần Thơ, sàng 31-8.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp để nhanh chóng hình thành chuỗi liên kết; kết nối hiệu quả sản xuất với tiêu dùng; vai trò của doanh nghiệp phân phối và bán lẻ.
Các khó khăn hiện nay là: người sản xuất qui mô nhỏ lẻ, không nắm bắt được công nghệ sản xuất an toàn, thiếu liên kết thông tin với nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Trong khi đó, các nhà phân phối lại “than phiền”: không có tính ổn định về nguồn hàng; rủi ro về đảm bảo chất lượng do nhà sản xuất dễ phá vỡ hợp đồng, gặp khó khăn trong xây dựng niềm tin với người tiêu dùng…
Việc kết nối sản xuất – tiêu dùng được xem là vấn đề sống còn của nông sản ĐBSCL. Trong đó, sự tham gia vào cuộc của các nhà bán lẻ là động lực để nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư, kéo nông sản sạch về giá trị thật và phổ biến hơn.
Nhiều ý kiến đề xuất: Cần tạo ra kênh truyền thông, cung cấp thông tin về nông sản sạch cho người dân; Lập bản đồ các điểm bán nông sản sạch, hữu cơ; Liên kết các nhà bán lẻ để hợp tác với các vùng sản xuất, cân đối nguồn nông sản... nhằm tiếp cận người tiêu dùng.