“Khát” công nghệ cao
Theo Tổng cục Môi trường, tại Việt Nam, lượng rác thải phát sinh ở đô thị khoảng 3,8 triệu tấn/ngày. Phương pháp xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp. Hiện có khoảng 30% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Cả nước có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân hữu cơ, 300 lò đốt chất thải sinh hoạt quy mô nhỏ. Việc đầu tư, xây dựng các khu xử lý chất thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh phần lớn chỉ được thực hiện ở một số địa phương có nguồn thu ngân sách lớn.
Việc lựa chọn mô hình quản lý và công nghệ xử lý rác thải phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam là thách thức của các ban ngành, địa phương. Để xử lý rác thải sinh hoạt đô thị một cách triệt để, cần đẩy mạnh tìm hiểu và ứng dụng công nghệ, giải pháp tiên tiến, hiện đại vào xử lý rác thải; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước với nước ngoài.
Tại TPHCM, mỗi ngày thành phố thải ra môi trường hơn 9.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, 14,7% tái chế nhựa và 9,3% đốt. Thành phố đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến, nhất là chuyển hóa rác thành điện năng, hướng tới mục tiêu đến 2020 tỷ lệ rác chôn lấp giảm xuống còn 50%, đến năm 2050 giảm còn 20%.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, cho biết để đạt được mục tiêu này, TPHCM đã và đang đẩy mạnh công tác kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường, chuyển hóa rác thành điện năng. Sở TN-MT TPHCM cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước đăng ký đấu thầu dự án xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện với nhiều chính sách ưu đãi.
Dự án có công suất 1.000 tấn/ngày, đơn giá xử lý không quá 21 USD/tấn, loại rác tiếp nhận xử lý là rác chưa qua phân loại. Thành phố sẽ ưu tiên những nhà đầu tư có kinh nghiệm vận hành các dự án đốt rác phát điện tương tự có công suất hơn 1.000 tấn/ngày; ưu tiên tự động hóa của dây chuyền thiết bị theo tiêu chuẩn các nước G7; có hệ thống phân loại để thu hồi tái chế trước khi đốt.
Đẩy mạnh giao lưu hợp tác
Có thể thấy rằng, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam ngoài những kết quả đạt được thì cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó phải kể đến hạn chế trong việc áp dụng, phát triển công nghệ môi trường. Một trong những vấn đề nổi cộm mà Chính phủ đang rất quan tâm đó là quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt cũng như phát triển năng lượng xanh, sạch.
Hiện nay, Bộ TN-MT cũng đang triển khai những đoàn kiểm tra công tác xử lý rác thải tại các địa phương. Từ đó sẽ đưa ra được bức tranh tổng thể, toàn diện về thực trạng công tác quản lý rác thải ở các địa phương, nhằm xác định được những khó khăn, thách thức, nhu cầu về cơ chế chính sách, về khoa học - công nghệ, về các mối quan hệ hợp tác. Qua đó, có thể tham mưu cho Chính phủ có những cơ chế chính sách phù hợp. |
Theo ông Vũ Ngọc Tĩnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường (Bộ TN-MT), vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt ở các đô thị lớn của Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức. Hiện nay, chúng ta chỉ dừng lại ở việc chôn lấp, mà phương pháp này cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Ứng dụng công nghệ để xử lý rác thải, thu năng lượng đang là hướng đi và là lựa chọn tất yếu của Việt Nam hiện nay. Để giúp các địa phương, thành phố lớn có thể tiếp cận được với các công nghệ xử lý rác tiên tiến trên thế giới, hàng năm Bộ TN-MT đều tổ chức triển lãm sản phẩm, hội chợ giới thiệu công nghệ trong lĩnh vực xử lý môi trường, để tìm hiểu nhu cầu về sản phẩm và công nghệ năng lượng tại Việt Nam cũng như của các quốc gia trong khu vực. Đồng thời, đây cũng là nơi để các nhà quản lý những dự án năng lượng và môi trường nắm bắt xu thế công nghệ của thế giới, tìm hiểu các sản phẩm, công nghệ tiên tiến, phù hợp với các dự án do đơn vị mình quản lý.