Cần sự kết nối mới
Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Chu Vân Hải cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 900 phòng thí nghiệm. Trong đó chỉ có 165 phòng thí nghiệm được Văn phòng Công nhận chất lượng chứng nhận, đảm bảo cung cấp dịch vụ thí nghiệm cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã có phòng thí nghiệm riêng nhưng trong giai đoạn đầu, trang thiết bị, kỹ thuật của các phòng thí nghiệm này còn thiếu nên rất cần sự tư vấn, hỗ trợ từ các trung tâm, trường, viện. Đồng thời, sự tham gia của các trung tâm kiểm tra, phòng thí nghiệm lớn cũng giúp các phòng thí nghiệm nhỏ đảm bảo chất lượng, độ chính xác của các phép thử.
Trong số các phòng thí nghiệm tại TPHCM có rất nhiều phòng thí nghiệm thuộc các trường đại học, khu công nghệ cao, công nghệ sinh học… Ở Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM (CASE) còn có Phòng thí nghiệm mở (Rad Lab) dành cho các sinh viên, giảng viên, cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ để học tập, nghiên cứu và làm việc. Rad Lab là môi trường nghiên cứu, sáng tạo cho sinh viên, cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân tích hóa, lý. Rad Lab được trang bị máy móc hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới, tạo môi trường chuyên nghiệp, hiện đại nhằm thúc đẩy phát triển KH-CN tại TPHCM và khu vực phía Nam.
Đại diện Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 và các phòng thí nghiệm cho rằng, với số lượng cũng như sự đa dạng, đa lĩnh vực của các phòng thí nghiệm tại TPHCM hiện nay, việc kết nối các phòng thí nghiệm với cộng đồng khoa học, đổi mới sáng tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng nghiên cứu, cung cấp dịch vụ cho giới khoa học, doanh nghiệp sản xuất cũng như nhiều lĩnh vực phát triển xã hội khác. Bên cạnh đó, những thông tin thống kê về nhu cầu, dịch vụ của doanh nghiệp, cộng đồng cũng là các thông tin rất có giá trị với các phòng thí nghiệm. Đây là cơ sở để các phòng thí nghiệm tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, xác định nhu cầu của thị trường để đầu tư các trang thiết bị, kỹ thuật mới đáp ứng yêu cầu thực tế… nên việc kết nối các phòng thí nghiệm với cộng đồng khoa học, đổi mới sáng tạo càng cần thiết.
Hướng đến khách hàng bên ngoài
Trước đây, Sở KH-CN TPHCM đã có nhiều chương trình, chính sách nâng cao năng lực của phòng thí nghiệm/phòng thử nghiệm trên địa bàn TPHCM. Thành phố còn hỗ trợ một phần kinh phí cho việc đào tạo, xây dựng hệ thống tài liệu, mở rộng phạm vi với mức hỗ trợ là 70 triệu đồng/năm cho một phòng thí nghiệm và 250 triệu đồng/năm cho một phòng thí nghiệm trọng điểm trong giai đoạn 2016-2020. Các phòng thí nghiệm trọng điểm phải thử nghiệm được một số chỉ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, nước ngoài. Đồng thời phải có đủ các tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn cần thiết và quy trình chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Chương trình hỗ trợ này là cơ hội để các phòng thí nghiệm nâng cao tiềm lực nghiên cứu, đưa ra giải pháp khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố…
Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và thống kê KH-CN (CESTI), thuộc Sở KH-CN TPHCM, cho biết: “Cổng thông tin Techport.vn của trung tâm hiện có 3 mảng chính: kết nối về công nghệ thiết bị, kết nối về các tổ chức trung gian và chuyên gia tư vấn, kết nối tìm kiếm đối tác. Về mảng kết nối các tổ chức, các tổ chức thực hiện các dịch vụ KH-CN để phục vụ cho quá trình chuyển giao công nghệ bao gồm nhiều lĩnh vực; trong đó có kiểm định, kiểm nghiệm, kết nối phòng thí nghiệm... và thông qua cổng Techport, doanh nghiệp tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ hoạt động của mình; đồng thời, đây cũng là nơi để các phòng thí nghiệm giới thiệu về năng lực, các dịch vụ của mình với cộng đồng, doanh nghiệp”. |
Bà Chu Vân Hải nhận định qua quá trình đầu tư, đến nay các phòng thí nghiệm đảm bảo cung cấp dịch vụ thí nghiệm cho doanh nghiệp và quan trọng hơn cần sự đổi mới trong hoạt động, hướng đến nhiều khách hàng. Các phòng thí nghiệm có thể đóng vai trò như bộ phận R&D, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư R&D. Sắp tới, Sở KH-CN TPHCM sẽ tăng cường các hoạt động thực tế để đẩy mạnh sự kết nối giữa các phòng thí nghiệm với các doanh nghiệp chưa có R&D, tăng vai trò nghiên cứu khoa học để ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.