Sáng 19-4, tại Hà Nội, Bộ KH-CN đã tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo (ST-ĐMST) thế giới năm 2024. Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Bộ KH-CN; đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán một số quốc gia và tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành và một số địa phương; các tổ chức doanh nghiệp, đào tạo...
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, từ năm 2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 21-4 hàng năm là Ngày ST-ĐMST thế giới với mục đích nâng cao nhận thức về vai trò của ST-ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững.
Từ năm 2022, Bộ KH-CN đã tổ chức các hoạt động để hưởng ứng Ngày ST-ĐMST thế giới và nhận được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng nhiệt tình và hiệu quả của nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức trong cả nước. Đây hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của ST-ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người; tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân cùng chung tay thúc đẩy hoạt động ĐMST; thúc đẩy phát triển hệ thống ĐMST quốc gia với sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực nhà nước với các khu vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nghiên cứu, đào tạo.
Từ năm 2023, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) đã chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3-2-2023 nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH-CN và ĐMST của từng địa phương. Qua đó, cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH-CN và ĐMST của từng địa phương.
Cùng với đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam ngày càng phát triển, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Trong những năm qua, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ của khối tư nhân, Nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đã và đang phát triển tương đối năng động và hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái. Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST quốc gia đang hình thành tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM và một số địa phương. Hơn 20 địa phương đã và đang thành lập Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo để kết nối các nguồn lực địa phương, vùng và quốc gia.
Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, tạo động lực thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động ĐMST, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH-CN vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào vốn và lao động sang mô hình tăng trưởng dựa trên KH-CN và ĐMST. Đây là mục tiêu dài hạn, cần sự vào cuộc, sự chung tay góp sức của các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội trong ứng dụng và phát triển KH-CN và ĐMST.
“Bộ KH-CN trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và sự hỗ trợ, hợp tác của các bộ, ngành, các địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và của toàn xã hội để hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST có các đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu.
Tại buổi lễ, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc và Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới công nghệ và chuyển đổi số ngày càng được nâng cao và đã cho thấy những tiến bộ vượt trội.
Đặc biệt, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 46/132 quốc gia, đứng đầu trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp trong bộ Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2023. Sự tiến bộ này là điều tối quan trọng để Việt Nam đạt được tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và Liên hợp quốc hỗ trợ hành trình của Việt Nam hướng tới mục tiêu này.
Theo bà Pauline Tamesis, chủ đề Ngày ST-ĐMST thế giới năm nay là “INSPIRE - Truyền cảm hứng” đã phản ánh rõ vai trò quan trọng của giáo dục trong việc nuôi dưỡng trí tuệ sáng tạo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trao quyền cho thanh niên trong các lĩnh vực ĐMST như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tuy nhiên, đổi mới không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực công nghệ cao mà cần mang tính bao trùm bằng cách tạo điều kiện phát triển cho các nhà ĐMST cấp cơ sở, người dân tộc thiểu số và thanh niên...
Chỉ số ĐMST (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua.