Đại tá Võ Văn Dương - Phó Giám đốc Công an, Phó Trưởng Đoàn Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi công bố kết luận thanh tra theo kết luận của UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Theo đó, Dự án Nhà máy rác Sa Huỳnh do Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường MD (gọi tắt là Công ty MD) khởi công xây dựng tháng 10-2016, mặc dù chưa thi công xây dựng hoàn thành các hạng mục công trình nhưng ngày 15-3-2018, Công ty MD đã đưa vào vận hành xử lý rác thu gom hằng ngày trên địa bàn huyện Đức Phổ và một phần lượng rác thải tồn đọng của bãi rác cũ.
Từ ngày 29-7-2018 đến nay, một số công dân ở xã Phổ Thạnh cho rằng Nhà máy hoạt động gây ô nhiễm môi trường nên đã tập trung đông người tại đường dẫn lên Nhà máy để phản đối và yêu cầu di dời vì 5 lý do sau: Vị trí đặt Nhà máy vi phạm khoảng cách an toàn về môi trường đến khu dân cư; Quá trình thực hiện dự án không tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp từ dự án; Theo quy định, Nhà máy chỉ xử lý rác sinh hoạt của 3 xã Phổ Thạnh, Phổ Châu, Phổ Khánh nhưng thực tế lại xử lý rác thải của cả huyện Đức Phổ; Nhà máy có tiếp nhận, xử lý rác thải đưa về từ thành phố Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa chở vào; Nhà máy hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, Nhà máy dừng hoạt động từ ngày 29-7-2018.
Qua quá trình thanh tra, kiểm tra các vấn đề bức xúc của người dân, có 3/5 nội dung được phản ánh là đúng. Theo đó:
Về vị trí đặt Nhà máy rác vi phạm khoảng cách an toàn đến khu dân cư. Theo kết quả khảo sát, đo đạc thực tế do Sở TN-MT chủ trì thực hiện vào ngày 21 và 22-8-2018 thì trong vi phạm bán kính 500m tính từ chân tường rào Nhà máy “(1) Về phía Đông-Nam hướng về khu dân cư số 4, thôn La Vân, xã Phổ Thạnh có 30 nhà dân, trong đó có 29 nhà dân được xây dựng trước năm 2015; khoảng cách từ tường rào nhà máy đến nhà dân gần nhất khoảng 387m (nhà ông Lê Tuấn Vương); (2) Về phía Đông hướng về khu dân cư số 3, thôn La Vân, xã Phổ Thạnh có 45 nhà dân, trong đó có 37 nhà được xây dựng trước thời điểm năm 2015; khoảng cách từ tường rào nhà máy đến nhà dân gần nhất khoảng 320m (nhà bà Trần Thị Tám)” - Trích văn bản.
Tiếp theo, về quá trình thực hiện Dự án không tham vấn cộng đồng dân cư. UBND xã Phổ Thạnh không lấy ý kiến tham gia của người dân bằng hình thức “Họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố, phát biểu lấy ý kiến cử trí hoặc cử tri đại diện hộ gia đình; thông qua hòm thư góp ý”. UBND xã Phổ Thạnh có thực hiện việc niêm yết công khai thông báo thu hồi đất. Tuy nhiên, không công khai quyết định chủ trương đầu tư, tiến độ, kết quả dự án, báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt là thực hiện không đúng quy định về công khai, dân chủ.
Cuối cùng, theo quy định thì Bãi chôn lấp chỉ xử lý rác sinh hoạt của 3 xã nhưng thực tế lại xử lý rác của cả huyện Đức Phổ kể từ ngày 25-12-2011. Những phản ánh này của người dân là đúng.
Ngoài ra, 2 phản ánh về việc tiếp nhận, xử lý rác từ thành phố Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa chở vào là không đúng. Nội dung phản ánh về nhà máy hoạt động gây ô nhiễm môi trường là có hiện tượng nhưng chưa đủ cơ sở để kết luận vì từ ngày 29-7-2018 đến nay nhà máy ngừng hoạt động nên không có cơ sở để quan trắc độc lập, khách quan nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm về mùi hôi, khí thải.
UBND tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm điểm xử lý trách nhiệm các cán bộ, công chức có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm, nhất là đối với khuyết điểm đã xác nhận, báo cáo không đúng khoảng cách an toàn về môi trường.
Khi được sự đồng thuận của nhân dân, sau thanh tra, UBND tỉnh sẽ yêu cầu Nhà đầu tư thực hiện khắc phục tất cả các khuyết điểm, vi phạm đã kết luận. Đồng thời, giao cho UBND huyện Đức Phổ chỉ đạo lập hồ sơ xử lý nghiêm các trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng đất, công khai kết quả cho nhân dân.
Trong thời gian chờ đợi, người dân xã Phổ Thạnh đồng thuận cho Nhà máy rác Sa Huỳnh hoạt động nhằm xử lý dứt điểm 22.500m³ rác tồn động và phát sinh hằng ngày của 3 xã.
Dự kiến thời gian đến, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có buổi làm việc để trả lời các ý kiến, câu hỏi của nhân dân.