Theo quan điểm của y học cổ truyền (YHCT), biểu hiện đau mỏi cơ thuộc phạm trù các chứng Tý, chứng Thống. Căn cứ vào đặc điểm cụ thể của từng người bệnh, thầy thuốc YHCT có thể kết hợp phương pháp điều trị dùng thuốc và phương pháp điều trị không dùng thuốc giúp khí huyết lưu thông, bồi bổ khí huyết để giải quyết tình trạng tắc nghẽn hoặc thiếu nuôi dưỡng, đồng thời nâng cao chính khí giúp cơ thể phục hồi nhanh.
Điều trị dùng thuốc: thầy thuốc dựa trên tính chất của triệu chứng đau mỏi cơ để phân thành các thể từ đó có phương pháp trị, bài thuốc tương ứng. Có thể gia giảm bài thuốc để phù hợp thể trạng của người bệnh và đây được xem như việc cá thể hóa điều trị của YHCT.
Nếu người bệnh cảm giác đau mỏi cơ, cảm giác cơ nặng nề cho thấy thể bệnh thiên về thấp Tý và bài thuốc tương ứng sẽ bao gồm những vị thuốc có tác dụng trừ thấp, hành khí hoạt huyết như bài Tam tý thang, Ý dĩ nhân thang…
Nếu đau mỏi cơ kèm cảm giác vận động không có sức, hơi thở ngắn, mệt mỏi, tiếng nói nhỏ, chán ăn… cho thấy thể bệnh thiên về khí hư và bài thuốc tương ứng sẽ bao gồm các vị thuốc bổ khí như bài Sâm linh bạch truật tán, Ngọc bình phong tán, Bảo nguyên thang…
Điều trị không dùng thuốc:
Châm cứu: Bằng cách tác động lên huyệt được lựa chọn, châm cứu giúp thúc đẩy lưu thông khí huyết trong các kinh mạch, lập lại quân bình cho cơ thể. Huyệt được lựa chọn có thể là huyệt tại chỗ A thị huyệt, hoặc huyệt có tác dụng điều trị đặc hiệu như Huyết hải, Lương khâu để hoạt huyết… Mỗi liệu trình từ 10-15 ngày.
Xoa bóp: Thông qua những tác động trực tiếp lên da, gân, cơ, hệ thống tuần hoàn mao mạch dưới da, các thụ thể thần kinh dưới da, xoa bóp sẽ giúp tăng tuần hoàn, dinh dưỡng tại chỗ cho cơ, tăng thải trừ các sản phẩm chuyển hóa của cơ, tạo cho người bệnh cảm giác dễ chịu, khoan khoái. Thông thường liệu trình xoa bóp là 10-15 lần, mỗi lần khoảng 15-20 phút.
Dưỡng sinh: Các bài tập dưỡng sinh như thở bốn thời, thư giãn, xem xa xem gần… giúp khí huyết lưu thông, phổi hoạt động tốt hơn. Nên tập dưỡng sinh mỗi ngày từ 20-30 phút.