Kerry Nguyễn-Long và niềm đam mê nghiên cứu văn hóa Việt

Tình yêu đậm sâu với người bạn đời là động lực để Kerry Nguyễn-Long tìm hiểu về nền văn hóa Việt Nam. Không những đổi tên, chuyển sang họ của chồng, bà còn tích cực mang nghệ thuật Việt Nam ra thế giới.

Là một học giả với bề dày kinh nghiệm, năm 2023, Kerry Nguyễn-Long ra mắt cuốn sách mới nhất của bà có tên Vietnam Visual Arts in History Religion & Culture (tạm dịch: Nghệ thuật thị giác Việt Nam trong lịch sử tôn giáo và văn hóa). Theo đài SBS, Lady Borton - nhà văn, nhà sử học, dịch giả người Mỹ quen thuộc với người Việt Nam - nhận xét: “Thật phi thường! Nhờ Kerry Nguyễn-Long, cuốn sách này là một viện bảo tàng 3.000 năm lịch sử nghệ thuật Việt Nam được gói gọn trong cuốn sách”.

Sinh tại bang Tasmania (Australia), cơ duyên để bà Kerry gắn bó với lĩnh vực nghệ thuật là khi bước chân vào Đại học Tasmania, nơi bà học về các nền văn minh cổ đại và văn học Anh. Và cũng chính trong những năm tháng đó, bà đã gặp ông Nguyễn Kim Long, một sinh viên đến từ Việt Nam và là chồng bà sau này.

q8b-9147.jpg
Vợ chồng bà Kerry Nguyễn-Long. Ảnh: SBS

Nghệ thuật thị giác là một trong những thuật ngữ gần đây bắt đầu được sử dụng rộng rãi trên thế giới với nội dung bao gồm nhiều lĩnh vực nghệ thuật, từ các lĩnh vực của mỹ thuật truyền thống như hội họa, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ cho đến nhiều khía cạnh của nghệ thuật trang trí và ứng dụng hiện đại như nhiếp ảnh, hình ảnh động, làm phim, thiết kế, kiến trúc… Lĩnh vực này cũng dần khẳng định tầm quan trọng và được coi là một trong những nền tảng cốt lõi của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Cuộc gặp gỡ tình cờ ấy đánh dấu sự khởi đầu cho mối quan hệ sâu sắc của Kerry Nguyễn-Long với Việt Nam. Tháng 9-1975, một cột mốc quan trọng trong cuộc đời Kerry Nguyễn-Long khi hai vợ chồng bà cùng 4 con nhỏ chuyển đến Philippines, nơi họ đã sống trong hai thập niên tiếp theo. Là thành viên của Hiệp hội Gốm phương Đông Philippines, bà đã đi sâu nghiên cứu gốm Việt Nam xuất khẩu sang Philippines trong thế kỷ 14 và 15. Việc từng là hướng dẫn viên tại Bảo tàng Ayala ở Makati (Philippines) góp phần làm phong phú thêm kiến thức của Kerry Nguyễn-Long về nghệ thuật và văn hóa Đông Nam Á.

Năm 1986, bà Kerry Nguyễn-Long cùng gia đình về Việt Nam, kết nối sâu hơn với các chuyên gia nghệ thuật trong nước. Bà đã đóng góp một bài tiểu luận ngắn cho cuốn sách Gốm sứ Bát Tràng thế kỷ 14-19 và vài năm sau, là đồng tác giả cuốn Gốm hoa lam Việt Nam. Chồng bà đóng vai trò quan trọng trong việc dịch những cuốn sách song ngữ này, làm phong phú thêm nghiên cứu của Kerry Nguyễn-Long.

Đầu những năm 1990, Kerry Nguyễn-Long chuyển về sống ở Việt Nam để theo đuổi việc học ngôn ngữ, một minh chứng cho sự cống hiến của bà trong việc tìm hiểu nền văn hóa mà bà ngày càng yêu thích. Quan điểm độc đáo của bà về nghệ thuật thị giác vượt ra ngoài các viện bảo tàng và gốm sứ. Sở thích của cụ bà thân sinh Kerry Nguyễn-Long đã khơi dậy niềm đam mê làm vườn trong bà. Năm 2018, niềm đam mê với vườn tược của Kerry Nguyễn-Long đã được thể hiện trong một bài báo có tựa đề Gốm Việt Nam trong văn hóa vườn tược, được đăng trên tạp chí quốc tế Arts of Asia.

Vào những tháng cuối năm 2023, tại một trong những phòng trưng bày nghệ thuật lớn nhất của Australia là Wollongong Art Gallery đã diễn ra một triển lãm đáng chú ý liên quan đến gốm sứ Việt Nam. Tác giả của bức tượng bằng gốm sứ có tên Kôgábịnô là Mai Nguyễn-Long, con gái của học giả Kerry Nguyễn-Long.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điểm đặc biệt trong triển lãm lần này của Mai Nguyễn-Long là lần đầu tiên cô kết hợp các tác phẩm điêu khắc của mình với các đồ tạo tác cô sưu tầm như chiếc thước do chú của cô làm từ vỏ máy bay chiến đấu, những lá cờ hội (cờ ngũ sắc) đã bị phai màu…

Mai Nguyễn-Long nhận bằng Cử nhân Nghệ thuật/ châu Á học của Đại học Quốc gia Australia (1991) cùng bằng tốt nghiệp sau đại học về Bảo tàng học của Đại học Sydney (1993). Năm 1994, cô học Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam và Hình họa tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội). Năm 1997, cô hoàn thành chương trình Thạc sĩ Mỹ thuật về Nghệ thuật thị giác của Cao đẳng Nghệ thuật Queensland thuộc Đại học Griffith. Năm 2017, cô nhận được học bổng RTP của Chính phủ Australia cho chương trình Tiến sĩ về Nghệ thuật sáng tạo tại Đại học Wollongong.

Tin cùng chuyên mục