Kép đẹp Bảo Châu: Hát bội là đam mê!


Từ nhỏ, Bảo Châu đã mê ca hát, nhảy múa và sớm bộc lộ khả năng cảm thụ tốt những giai điệu, lời ca. Nhà cạnh rạp Long Phụng nên ngoài giờ đi học, phụ mẹ bán quán, Bảo Châu thường xuyên vô rạp để xem các cô chú nghệ sĩ tập tuồng hát bội.
Nghệ sĩ Bảo Châu hóa trang chuẩn bị cho một vai diễn hát bội
Nghệ sĩ Bảo Châu hóa trang chuẩn bị cho một vai diễn hát bội

 Thấy có thằng nhỏ mỗi ngày đều ngồi xem tập tuồng say mê, nghệ sĩ Kiều Nga, Ngọc Hương kêu Bảo Châu vô học. Bảo Châu bén duyên với nghề từ đó. Tính đến nay, anh đã gắn bó với sân khấu tuồng được 18 năm.

1. Nhớ lại những ngày đầu bước chân chập chững vào nghề hát, nam nghệ sĩ kể: “Tôi rất may mắn khi được học nghề với rất nhiều nghệ sĩ giỏi nghề. Các thầy cô đã luôn yêu thương, dạy dỗ truyền nghề cho tôi. Vì không được học qua trường lớp bài bản nên tôi đã luôn cố công rèn luyện chăm chỉ. Thầy Linh Phước chỉ cho tôi cách luyện thanh, hát hơi ngân bằng cách đút đầu vào lu, tập mỗi ngày để rèn cho được “ù, a, ư, à, ớ…”, để có thể ngân câu cho mùi, xuống câu cho ngọt; thầy Công Khanh rèn từng động tác thật tỉ mỉ... Sau một tuần học tập, tôi đã lên sân khấu diễn vai lính, 3 tháng sau, tôi diễn báo cáo với vai đầu tiên là Châu Ngọc Long trong vở Tứ linh hội”. 

Tháng 9-2001, Bảo Châu bắt đầu học lớp đào tạo diễn viên trẻ khóa đầu tiên. Nam nghệ sĩ có chiều cao 1,74m và gương mặt tươi sáng, nhờ chịu khó học hỏi, tích cực tập luyện, nghiên cứu cẩn thận từng vai diễn đã dần nổi trội hơn nhiều bạn cùng khóa. Anh trở thành một trong những diễn viên sáng giá, đáp ứng cho sân khấu tuồng cả về tài năng, thanh sắc, có thể đảm nhận nhiều vai diễn đa dạng, từ kép văn, kép võ, hề, độc, bi đến nhân vật trung can nghĩa khí… Những vai diễn nổi trội của anh có thể kể như: Hoàng Phi Hổ, Triệu Tử Long, Lữ Bố, Châu Du… 

2. “Dù tình hình sân khấu gặp muôn khó khăn, nhưng hễ bước lên sân khấu là tôi rất máu lửa. Nhiệt huyết và đam mê giúp cho tôi dễ dàng hóa thân vào vai diễn, quên đi những lo toan cơm áo gạo tiền, chế độ đãi ngộ nghệ sĩ và băn khoăn về công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề hát. Nhiệt huyết là động lực lớn giữ cho trái tim tôi nóng, để lúc cần sẽ bùng cháy hết mình dưới ánh đèn sân khấu”, Bảo Châu bộc bạch. Nam nghệ sĩ tâm sự, bên cạnh việc trui rèn nghề thì áp lực cuộc sống luôn là điều níu chân nghệ sĩ. Nếu gia đình không hỗ trợ, cảm thông, người nghệ sĩ hát bội khó mà bám trụ được với nghề.

Mới bước chân vào nghề, các diễn viên trẻ đều đi học không lương, đi hát xa mỗi suất diễn chỉ nhận được 20.000 đồng, chi phí nhà hát hỗ trợ là 150.000 đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống. Đến nay, tiền bồi dưỡng vẫn rất thấp, 120.000 - 200.000 đồng/suất/người. Bảo Châu tâm tư: “Bình quân mỗi tháng thu nhập của một diễn viên có nghề như tôi chỉ khoảng 7 triệu đồng. Không đủ xoay xở cho cá nhân, làm sao lo nổi cho gia đình.

Loại hình nghệ thuật hát bội đang khó khăn, sự hiện đại của các thiết bị công nghệ thông tin đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tổ chức biểu diễn hát bội. Trong khi đó, cơ sở vật chất nhà hát tại rạp Thủ Đô lại không bảo đảm sức khỏe, sự an toàn cho diễn viên. Rạp hát bụi bặm, mèo, chuột hoang, bọ chét đầy rạp. Thi thoảng nhà hát phải xịt thuốc để diệt bọ chét. Có những vai diễn, diễn viên phải lăn lê bò lết trên sàn gỗ và bị bọ chét bám, cắn nổi mẩn ngứa đầy người. Những khi đi hát chầu 2 - 3 ngày, lãnh chỉ 300.000 - 400.000 đồng/người, mà nhiều điểm diễn không có chỗ ngủ, anh em nghệ sĩ phải đi thuê phòng trọ qua đêm, rồi nơi diễn lo ăn uống không được tốt, lại phải ra ngoài kiếm cơm dằn bụng; tiền son phấn, xăng xe… bao cái khó cứ bám lấy sàn diễn hát bội, chỉ có lòng yêu nghề mới níu giữ được người nghệ sĩ”.

3. Nói về tương lai, nam diễn viên ưu tư: “Tôi không biết mười mấy hai mươi năm nữa, ai sẽ diễn thay mình. Thế hệ trẻ chịu theo nghề quá ít ỏi. Bao lâu nay, nghệ sĩ đàn anh, đàn chị, đều dùng kinh nghiệm nghề để truyền dạy cho đàn em. Tuy nhiên, một diễn viên trẻ thì việc học tập và rèn nghề tại nhà hát là chưa đủ, các bạn rất cần có những lớp học, đợt tập huấn về kỹ thuật hát hay, chuẩn, kỹ năng lấy hơi, cách luyến, nhả chữ… mang tính bài bản. Thế nhưng, vì kinh phí không có nên nhà hát không thể tổ chức; trong khi đó, các trường dạy hát bội, hát tuồng lại ở Hà Nội, Bình Định quá xa xôi, anh em nghệ sĩ không thể theo học. Đây là trở ngại rất lớn về bằng cấp khiến cho nhiều diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công nhà hát nằm trong danh sách 40 nghệ sĩ tại TPHCM có tay nghề nhưng không đủ điều kiện để xét tuyển viên chức”. 

Nghệ sĩ Bảo Châu là một đảng viên, đã 18 năm theo nghề, đạt huy chương vàng tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng, chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017 tổ chức tại Thanh Hóa, nhưng vẫn không được xét tuyển viên chức vì thiếu tấm bằng học vị. “Nhà nước cần phải có sự xét duyệt đặc cách dành riêng cho các diễn viên, nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhất là sân khấu truyền thống; cần xem xét thông qua sự đóng góp theo thời gian và thành tựu của diễn viên, nghệ sĩ trong nghề để hợp tình hợp lý”, anh nói. 

Sau những âu lo, trăn trở về nghề, nghệ sĩ Bảo Châu vui mừng chia sẻ, sau 3 suất diễn hát bội phục vụ miễn phí khán giả thành phố và nhận được những phản hồi rất tốt, Sở VH-TT TPHCM đã có kế hoạch sẽ hỗ trợ nhà hát thực hiện thêm 10 suất diễn nữa. Nhà hát Thành phố cũng có ý hỗ trợ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội vài suất diễn miễn phí tại địa điểm đắc địa này. Riêng với hát bội, hiện nay điểm diễn lý tưởng là sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang. “Điểm diễn này nếu được phát huy, biểu diễn thường xuyên, thời gian tới sân khấu tuồng sẽ khởi sắc. Mặt khác, nghệ thuật hát bội cũng rất cần các công ty du lịch bắt tay để có thể tiếp cận nhiều hơn với khán giả nước ngoài”, nam nghệ sĩ tâm sự.

Tin cùng chuyên mục