Theo báo cáo của công ty, thực hiện Chỉ thị 19, thời gian qua, Đảng ủy - Ban giám đốc đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Hiện nay, lượng rác thải hữu cơ phát sinh chỉ còn khoảng 50-60 tấn/ngày, giảm 10%-20% so với trước đây (70-80 tấn/ngày).
Để kéo giảm lượng rác thải phát sinh tại chợ, bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty Bình Điền, kiến nghị TP cần làm việc với các tỉnh thành cung ứng nguồn thực phẩm lớn cho TPHCM (Lâm Đồng, Đắk Nông, Tiền Giang…). Qua đó, quán triệt chủ trương sơ chế hiện có, đồng thời xây dựng quy chuẩn đóng gói hàng hóa tại nguồn trước khi đưa về 3 chợ đầu mối của TP. Ngoài ra, lượng bùn thải phát sinh trong quá trình hoạt động (sơ chế, rửa củ quả, rau thịt) tại chợ hiện nay quá lớn (170 - 200 tấn/tháng), chi phí xử lý lên đến 3 tỷ đồng/năm. Đây là chi phí phát sinh ngoài phí quản lý tại chợ, công ty không thể thu tiền từ tiểu thương để bù đắp. Do đó, công ty kiến nghị TP xem xét giải quyết, sớm tháo gỡ khó khăn để tất cả bùn thải phát sinh trong chợ đều được xử lý, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Huỳnh Trang, hiện các quy định sơ chế hàng hóa là thực phẩm đã có; do đó, để giảm lượng rác thải phát sinh trong chợ, Công ty Bình Điền cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra hàng hóa sơ chế trước khi nhập chợ. Đại diện lãnh đạo Sở Công thương TP cũng yêu cầu Công ty Bình Điền cần phải thu hẹp dần các khu sơ chế, tiến tới 100% hàng hóa phải được sơ chế tại nguồn.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Võ Thị Dung yêu cầu Công ty Bình Điền sớm sơ kết, đánh giá 1 năm thực hiện Chỉ thị 19, qua đó phát huy những mặt làm được, đồng thời có biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế. Đồng chí lưu ý, để hạn chế rác thải phát sinh tại chợ, kéo giảm ô nhiễm môi trường, Công ty Bình Điền cần làm tốt 2 giải pháp chính là tuyên truyền và chế tài. Việc tuyên truyền phải được cấp ủy phân vai, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên, tổ chức hội, đoàn thể của đơn vị.
Hình thức tuyên truyền phải sinh động, đối tượng tuyên truyền không chỉ tiểu thương mà còn phải hướng đến người dân, khách hàng đến giao dịch tại chợ. Bên cạnh đó, căn cứ vào quy chế, nội quy hoạt động của đơn vị, công ty cần thực việc tốt việc chế tài đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, đơn vị cần đầu tư, lắp đặt hệ thống camera trong chợ. Ngoài ra, cấp ủy, đảng viên ở công ty cần phát huy vai trò người đứng đầu, phải gương mẫu, tiên phong trong việc chấp hành các quy định về kinh doanh đảm bảo môi trường.