Mòn mỏi chờ cải tạo
Kênh Hy Vọng là hướng thoát nước chính ở phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng những năm qua tình trạng xả thải, cơi nới lấn chiếm đã khiến dòng kênh bị “bức tử” nghiêm trọng, đe dọa đến vấn đề ngập nước sân bay Tân Sơn Nhất cũng như ô nhiễm môi trường ở khu vực này.
Ô nhiễm nguồn nước ngầm có thể xảy ra, khi xung quanh tuyến đường Nguyễn Phúc Chu, Phan Huy Ích (quận Tân Bình) có các xóm trọ lâu năm, quán rửa xe, chợ tự phát… Phần lớn rác thải sinh hoạt bị người dân bỏ trực tiếp xuống kênh Hy Vọng nên nguy cơ nhiễm bệnh từ nguồn nước là rất cao.
Chị Hồng (ngụ phường 15 quận Tân Bình ) cho biết, con kênh bị ô nhiễm đã lâu, càng ngày rác thải đổ về càng nhiều, nước kênh bốc mùi hôi khó chịu. Tới mùa mưa, dòng nước đen ngập ngụa rác chảy vào nhà, côn trùng sống quanh dòng kênh thì bất kể mưa nắng cũng tìm về trú ẩn. “Chúng tôi lo sợ những dịch bệnh phát sinh từ đây”, chị Hồng than thở.
Không chỉ chị Hồng mà nhiều người dân ở đây cũng lo lắng bệnh tật phát sinh, đang mòn mỏi từng ngày chờ thấy kênh Hy Vọng được hồi sinh!
Theo đánh giá của UBND quận Tân Bình, tình trạng sử dụng đất tại kênh Hy Vọng và nhiều kênh khác trên địa bàn rất phức tạp. Đa số các hộ dân đều lấn chiếm hai bờ kênh để cơi nới khuôn viên đất sử dụng vào mục đích riêng.
Người dân thường xuyên vứt rác, xả chất thải ngay xuống lòng kênh gây mất vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng đến dòng chảy, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mặc dù UBND quận luôn thực hiện các phong trào ra quân dọn dẹp rác thải, nạo vét kênh rạch, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường, thế nhưng kết quả không được như kỳ vọng.
15 năm, dự án vẫn nằm trên giấy
Năm 2013, thành phố đã chấp thuận phương án cải tạo kênh Hy Vọng là kênh hở toàn tuyến kết hợp làm đường giao thông (10m mỗi bên) và trồng cây xanh hai bên bờ kênh theo quy hoạch; tổng kinh phí dự toán gần 430 tỷ đồng. Trong đó, vốn cho xây lắp là hơn 70 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 266 tỷ đồng và phí dự phòng gần 90 tỷ đồng.
Ngày 23-6-2017, UBND quận Tân Bình đã có buổi làm việc với chủ đầu tư dự án, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành các thủ tục trình Sở TN-MT TPHCM thẩm định và phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng.
Trước đó, năm 2016, dự án đầu tư quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM đã được phê duyệt, trong đó có hạng mục cải tạo kênh Hy Vọng. Dự án này được Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn.
Thế nhưng, đến tháng 6-2017 nguồn vốn bị cắt do Ngân hàng Thế giới kết thúc tài trợ. Sau đó, UBND TPHCM đã giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước tìm nguồn vốn khác để thực hiện dự án.
Ông Hứa Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết dự án cải tạo kênh Hy Vọng đã được đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2015, được người dân trong khu vực rất quan tâm vì sẽ góp phần giảm ô nhiễm và thoát nước.
UBND quận đã nhiều lần kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh pháp lý, thực hiện dự án và bàn giao để UBND quận Tân Bình có cơ sở triển khai công tác thu hồi đất thực hiện dự án.
Thế nhưng, đến nay dự án vẫn giậm chân tại chỗ, gây ra tình trạng bức xúc cho nhiều người dân. UBND quận Tân Bình tiếp tục kiến nghị UBND TP về nội dung trên; đồng thời quận cũng kiến nghị thành phố xem xét, bố trí vốn để UBND quận triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư triển khai dự án xây lắp.