Kênh giám sát hiệu quả ​

“Địa chỉ... đường Trần Văn Ơn xây dựng nhà gây ồn ào”, “Nhà xây đối diện địa chỉ... không thấy treo giấy phép xây dựng”, “Còn một hộ số... chiếm lòng đường, đã gửi đơn hơn tuần không thấy xử lý”... 

Đó là những tin nhắn trao đổi giữa các thành viên Tổ kiểm tra công vụ về công tác trật tự lòng lề đường và công tác trật tự xây dựng (gọi tắt là Tổ kiểm tra công vụ) của phường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) với Chủ tịch UBND phường kiêm Tổ trưởng Tổ kiểm tra công vụ. 

Giám sát từ cơ sở
Năm 2017, tình hình xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn phường Tân Sơn Nhì tăng do công tác quản lý nhà nước và công tác giám sát đối với cán bộ được thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực xây dựng chưa chặt chẽ.
Từ sự bức xúc của người dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường Tân Sơn Nhì xây dựng kế hoạch giám sát chuyên đề đối với 1 công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, 1 công chức Quản lý trật tự đô thị, 5 cộng tác viên Tổ quản lý trật tự đô thị phường.
Qua giám sát các công trình xây dựng từ tháng 1-2017 đến tháng 3-2018, đoàn giám sát phát hiện 37 công trình sửa chữa có sai phạm và yêu cầu cán bộ phụ trách có liên quan khắc phục những công trình này. Riêng 6 công trình xây dựng sai phép, không phép, đoàn kiểm tra đề nghị Chủ tịch UBND phường tiếp tục chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Sau đợt giám sát chuyên đề, Chủ tịch UBND phường Tân Sơn Nhì ban hành quyết định thành lập Tổ kiểm tra công vụ trên địa bàn phường, gồm 9 thành viên phụ trách 9 khu phố.
Ngoài việc lập biên bản kiểm tra công vụ, các thành viên trong tổ thường xuyên cập nhật thông tin về những điểm kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường, những trường hợp xây dựng không phép, vào cuộc trò chuyện nhóm (chat group) với Chủ tịch UBND phường, nhờ vậy giúp UBND phường tăng cường công tác nắm tình hình cán bộ phụ trách những lĩnh vực này.
Kênh giám sát hiệu quả ​ ảnh 1 Người dân đánh giá thái độ phục vụ của công chức phường Hòa Thạnh (quận Tân Phú) qua phần mềm đánh giá sự hài lòng 
Tương tự, tại phường Hòa Thạnh (quận Tân Phú), trong tháng 3 và tháng 4-2018, đoàn giám sát gồm các thành viên của MTTQ phường, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Ban Thanh tra nhân dân phường và Ban Công tác mặt trận khu phố tiến hành giám sát công tác quản lý nhà nước trong quản lý, sử dụng 23 khu đất công trên địa bàn phường.
Qua giám sát, MTTQ phường kiến nghị UBND phường tăng cường quản lý một số khu đất trống để đảm bảo vệ sinh môi trường, không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm. Đối với khu đất trên đường Tân Thành có diện tích hơn 1.100m2 bị một số hộ dân chiếm một phần chứa phế liệu ve chai, MTTQ đề nghị chính quyền phường kiến nghị Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Phú đưa vào quản lý.
Những kết quả trên minh chứng cho hiệu quả hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị. Trong 5 năm (2013-2018), Ủy ban MTTQ 11 phường của quận Tân Phú đã chủ trì 82 cuộc giám sát và phối hợp thực hiện 45 cuộc giám sát trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế.
Các kiến nghị được UBND phường chỉ đạo thực hiện, những thiếu sót do đoàn giám sát nêu ra được các đơn vị nghiêm túc tiếp thu, khắc phục, cho thấy hoạt động giám sát ngày càng đi vào thực chất.
Dựa vào dân
“Tôi đến phường làm khai sinh cho con. Được công chức tư pháp - hộ tịch niềm nở, giải thích cặn kẽ thủ tục nên tôi rất hài lòng”, anh Phạm Nguyễn Tiến Nam (ngụ phường Tân Quý, quận Tân Phú) vừa bình chọn thái độ phục vụ của công chức trên phần mềm đánh giá sự hài lòng vừa nói. Theo anh Nam, việc “chấm điểm” là cách thiết thực để người dân góp ý cho đội ngũ cán bộ, công chức hoàn thiện cung cách phục vụ dân.
Tại quận Tân Phú, việc lấy ý kiến góp ý của người dân là một trong những phương thức hiệu quả thực hiện quy chế “MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư” theo tinh thần Chỉ thị 19-CT/TU ngày 23-10-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.
Những ý kiến đóng góp của người dân liên quan đến cán bộ, công chức, đảng viên tại các hội nghị nhân dân, các buổi sinh hoạt tổ dân phố, hội nghị tiếp xúc và đối thoại giữa lãnh đạo với đại diện các giới nhân dân... đều được Ủy ban MTTQ các phường ghi nhận, tổng hợp thành văn bản kiến nghị Đảng ủy, UBND phường giải quyết.
Ngoài ra, không chỉ hàng quý MTTQ phường tổ chức lấy phiếu khảo sát ngẫu nhiên, mà tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của nhiều phường còn đặt máy đánh giá về sự hài lòng của người dân đối với thủ tục hành chính, cung cách phục vụ của cán bộ, công chức trực tiếp nhận và tham mưu giải quyết hồ sơ. Từ đó MTTQ phường kịp thời phản ánh với chính quyền có biện pháp chấn chỉnh, thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính.
“Sau khi thực hiện việc lấy ý kiến đánh giá của người dân, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức có nhiều chuyển biến tích cực. Tại bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ hành chính, các cán bộ, công chức vui vẻ, nhã nhặn và sẵn sàng giải thích những nội dung, thủ tục người dân chưa hiểu; hồ sơ được giải quyết nhanh chóng, đúng hẹn nên mức độ hài lòng của người dân tăng cao”, ông Tăng Văn Dễ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hòa Thạnh, nhận xét. 
Bên cạnh đó, xác định vai trò giám sát của người dân rất quan trọng, hệ thống MTTQ các phường đã có nhiều hình thức để người dân tham gia giám sát.
Điển hình như Ban Công tác Mặt trận khu phố 4 phường Tây Thạnh, từ năm 2015 trực tiếp dân hàng tuần tại văn phòng trụ sở khu phố vào mỗi sáng chủ nhật, với sự tham gia của cấp ủy chi bộ khu phố, thành viên tổ hội đồng nhân dân để ghi nhận những ý kiến đóng góp của người dân liên quan đến cán bộ, công chức, đảng viên tại địa phương. Đến nay, mô hình này được nhân rộng thực hiện tại 8 khu phố còn lại của phường.
Bằng những phương thức đa dạng, thiết thực và hiệu quả, những năm qua hệ thống MTTQ quận Tân Phú đã nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. MTTQ thật sự là nơi người dân gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và trở thành kênh kết nối giám sát đáng tin cậy với người dân.

Ít phát hiện được sai phạm

Ông VŨ THANH LƯU 
(Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM)

Những năm qua, hệ thống MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị, xã hội ở địa bàn dân cư thực hiện nhiều cuộc giám sát đối với cán bộ, công chức, đảng viên sinh hoạt, cư trú tại địa phương, nhưng trên thực tế số bị phát hiện có sai phạm rất ít. Từ năm 2017 đến nay, toàn thành phố chỉ có hơn 20 cán bộ, công chức, đảng viên bị phát hiện, xử lý các sai phạm chủ yếu về đạo đức, lối sống thiếu gương mẫu, để người thân trong gia đình vi phạm pháp luật, tham gia vào các tệ nạn xã hội. Các hành vi khác như: giàu lên bất thường, vi phạm chế độ một vợ, một chồng, tham gia cờ bạc, tệ nạn xã hội, sắm sửa đồ dùng cá nhân, tiêu dùng xa xỉ bằng số tiền lớn không rõ nguồn gốc thu nhập; thường xuyên tổ chức liên hoan, ăn nhậu, tiệc mừng sinh nhật, lên chức, ma chay, cưới xin linh đình… thì ít phát hiện, xử lý được. Việc làm này của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư diễn ra công khai, người dân đều biết, nhưng không biết phản ánh ở đâu, nói cho ai.

Vì sao thực hiện giám sát thì nhiều mà phát hiện sai phạm lại ít? Theo tôi, do chúng ta thiếu cơ chế giám sát và thực hiện công khai, minh bạch kết quả giám sát đến người dân. Từ trước đến nay chúng ta có quá nhiều quy định về vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể ở địa bàn dân cư, nhưng cơ chế giám sát cụ thể thì chưa có, nhất là giám sát đối với cá nhân là một công dân sinh sống trên địa bàn dân cư. Cụ thể, việc giám sát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đảng viên theo quy định chỉ được công khai ở nơi làm việc, không công khai ở nơi cư trú. Trong khi nói người dân phải thể hiện giám sát thì rất khó, vì họ không thể biết tài sản của cán bộ, công chức, đảng viên đó có cái gì, hàng năm tăng thêm bao nhiêu? Hay trong sinh hoạt hàng ngày, vợ, chồng, con cháu, người thân của cán bộ, công chức, đảng viên này có những biểu hiện gì khác thường trong lối sống, sinh hoạt, quan hệ làm ăn…, dù biết rõ đó, nhưng cơ chế nào để người dân phản ánh, xem xét, xác minh và kiến nghị xử lý thì chưa có. 

Mọi chuyện dân đều biết

TS TRẦN VĂN THẬN 
(nguyên  Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM)

Theo tôi, bất cứ chuyện gì ở địa bàn dân cư, cứ hỏi người dân là biết hết. Từ chuyện cán bộ, công chức, đảng viên có lối sống, sinh hoạt ra sao, gia đình chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước như thế nào, đến việc họ và vợ con có làm ăn phi pháp hay không, tài sản có bao nhiêu căn nhà, lô đất…, người dân đều biết cả, không giấu được đâu. Cái chính là làm sao để cho người dân có chỗ nói, dám nói thì việc giám sát của MTTQ và các đoàn thể mới hiệu quả được. Do không có nơi chỗ phản ánh, không có diễn đàn công khai để nói lên những biểu hiện bất thường của cán bộ, công chức, đảng viên và gia đình ở nơi cư trú, nên người dân thường gặp đâu thì xì xào, bàn tán, tạo dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ, công chức, đảng viên đó.

Do vậy, tôi đề nghị hoạt động giám sát ở địa bàn dân cư phải đi vào thực chất với cơ chế, quy định pháp luật cụ thể, chặt chẽ. Mặt khác cũng cần có cơ chế khuyến khích, khen thưởng thỏa đáng đối với những phát hiện, phản ánh của người dân, giúp cho tổ chức Đảng, cơ quan chức năng kịp thời xác minh, kết luận những bất minh của cán bộ, công chức, đảng viên liên quan đến sở hữu tài sản, thu nhập không chính đáng, có mối quan hệ làm ăn phức tạp, vi phạm pháp luật. Đồng thời, cần có hộp thư, kênh tiếp nhận thông tin, có cơ chế bảo vệ người cung cấp thông tin, để mọi người tin tưởng và mạnh dạn thực hiện quyền giám sát của mình. Vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư cần được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động để huy động được sức mạnh, tinh thần đoàn kết của nhân dân, tham gia giám sát một cách thực chất, hiệu quả nhất.  

                                                                                         HOÀI NAM ghi

Tin cùng chuyên mục