Thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa
Theo đánh giá Bộ Công thương, sau hơn 10 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần phát triển thị trường trong nước; từ đó đưa ra giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau.
Qua đó đưa tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối hiện đại lên hơn 80% và kênh truyền thống lên hơn 60%. Đặc biệt, đã tạo sự kết nối chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu dùng, từ các doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, địa phương. Đây chính là nền tảng để có thể triển khai các hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong 4 đợt dịch kéo dài từ đầu năm 2020 cho tới nay.
Để có kết quả này, theo Bộ Công thương thì sự tham gia của các doanh nghiệp bán lẻ có vai trò rất quan trọng. Hơn nữa, trong dịch bệnh, đây chính là những doanh nghiệp đi tiên phong, người lao động trong ngành bán lẻ cũng là những chiến sĩ dũng cảm trên “mặt trận” cung ứng hàng hóa cho người dân. Ngoài ra, chính các doanh nghiệp bán lẻ cũng đóng vai trò tiên phong trong kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản, hàng sản xuất trong nước bị thừa do không thể xuất khẩu được trong những giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Là đơn vị đồng hành suốt thời gian qua cùng Cuộc vận động, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, bản thân Saigon Co.op xuất thân từ mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã nên luôn đặt lợi ích của cộng đồng xã hội lên hàng đầu. Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op phát triển trên tinh thần “Siêu thị của người Việt, do người Việt và vì người Việt phục vụ”.
Từ phương châm đó, Saigon Co.op chú trọng tổ chức nhiều chương trình kích cầu nhằm đẩy mạnh hơn nữa hàng Việt đến với người tiêu dùng, tăng cường chính sách hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam như ưu tiên trong chính sách mua hàng, diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mãi cho các doanh nghiệp hàng Việt...
Ngoài ra, Saigon Co.op luôn ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với các cơ sở sản xuất ngành hàng nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong nước nhằm tạo cơ hội và điều kiện phát triển cho các cơ sở sản xuất quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường. Đồng thời chính việc biết dung hòa lợi ích giữa 3 bên doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng, Saigon Co.op đã tạo nên sự gắn kết bền chặt giữa hàng Việt và kênh phân phối nội địa. Với chiến lược hành động thiết thực ủng hộ hàng Việt, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối của Saigon Co.op luôn ở mức rất cao, từ 90% trở lên; đặc biệt nhóm rau củ quả tỷ lệ này gần như đạt 100%.
Cũng theo vị đại diện này, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo công tác cung ứng hàng thiết yếu cho người dân, Saigon Co.op đã chủ động thiết lập một số kênh bán hàng phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Bên cạnh đó, Saigon Co.op còn thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp như phân chia lịch làm việc phù hợp với các quy định giãn cách xã hội; tăng cường tìm kiếm, kiểm soát chất lượng nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo đủ cung cấp cho người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt hàng hóa, khẳng định vai trò đi đầu trong công tác bình ổn thị trường.
Lan tỏa hàng Việt trong giai đoạn mới
Theo Bộ Công thương, nhờ thực hiện hiệu quả và xuyên suốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động này mà ý thức của doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang việc phải chinh phục được người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, bằng ứng dụng khoa học - công nghệ, giải pháp quản lý tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, mẫu mã và dịch vụ hậu mãi để phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn.
Bản thân các doanh nghiệp cũng nhận thức được việc cần phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình; chủ động tham dự vào các sự kiện lớn về quảng bá hàng Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước cũng như kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Để tiếp tục lan tỏa hàng Việt trong giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt kéo dài Đề án Phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2021-2025 với rất nhiều điểm mới. Cụ thể, đề án đã lồng ghép những cơ chế chính sách, chương trình kinh tế - xã hội trong việc triển khai với những nguồn lực mạnh hơn, có sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, có sự tham gia của các doanh nghiệp; đề án cũng nhấn mạnh sẽ áp dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số qua việc phát triển các điểm bán hàng online, chuyển đổi xúc tiến thương mại, chuyển đổi về truyền thông…
Tiếp tục đồng hành cùng chương trình, các nhà bán lẻ cho biết trong giai đoạn tới sẽ luôn ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp hàng Việt, giúp họ phát triển kinh doanh, bên cạnh đó là tăng cường số lượng lẫn chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.