Trước thực tế đó, lãnh đạo TPHCM đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhằm tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến nay thực trạng ô nhiễm của kênh Ba Bò chưa được giải quyết triệt để.
Ô nhiễm từ chất thải công nghiệp
Tại thời điểm năm 2009 - thời điểm TPHCM làm việc với tỉnh Bình Dương để bàn giải pháp khắc phục ô nhiễm kênh Ba Bò; theo đó, lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất cụ thể các vấn đề sau: về phía tỉnh Bình Dương, cam kết sẽ buộc chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2 xử lý triệt để nước thải sản xuất đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải vào kênh Ba Bò. Về phía TPHCM, cam kết đầu tư hệ thống bờ kè hai bên dòng kênh và xây dựng hồ sinh học với chức năng điều tiết dòng chảy, chống xói lở bờ kênh và giúp xử lý nước thải sinh hoạt trước khi thải vào kênh Ba Bò dẫn về quận Thủ Đức.
Tuy nhiên, tại buổi khảo sát vừa qua do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì, đoàn khảo sát ghi nhận chất lượng nước kênh vẫn còn ô nhiễm. Tại họng xả cống thoát nước số 2 - họng xả nước thải của Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2, nước thải công nghiệp chưa xử lý triệt để vẫn thải ồ ạt ra môi trường.
Bà Hoa, người dân ngụ ở khu phố Đồng An 2, xã Bình Hòa, thị xã Thuận An (Bình Dương), cho hay: “Do nhà nằm sát kênh Ba Bò nên tôi cũng chứng kiến được sự thay đổi ở con kênh này. Khi dự án cải tạo kênh Ba Bò trải dài từ tỉnh Bình Dương qua địa bàn quận Thủ Đức, TPHCM, được khởi công cải tạo, người dân ở đây ai cũng hy vọng sẽ được thoát khỏi cảnh ô nhiễm trầm trọng từ mấy chục năm qua. Vậy mà, niềm hy vọng ấy đã dần tan biến, khi dự án cải tạo kênh Ba Bò vẫn còn dang dở, ngổn ngang. Mùi hôi khó chịu nồng nặc luôn xộc thẳng vào nhà người dân ở khu vực này”.
Dọc về hướng tỉnh lộ 43, thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, chúng tôi ghi nhận được tình cảnh tương tự. Nước ở đây cũng một màu đen đục, bốc mùi hôi khó chịu, rác thải nhiều vô kể. Theo người dân nơi đây nhận xét, nếu nói kênh Ba Bò chưa giảm ô nhiễm thì cũng không đúng bởi cũng có thời điểm kênh Ba Bò đỡ hôi được vài tháng sau khi một số hạng mục dự án được đưa vào sử dụng; tuy nhiên, tình trạng sau đó đâu lại vào đấy.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương thừa nhận, hiện tổng lưu lượng nước thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương thải vào kênh Ba Bò khoảng 18.400 - 19.600m³/ngày với các nguồn nước thải từ Khu công nghiệp Sóng Thần, hộ dân thuộc khu phố Tân Long, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An; khu phố từ 11 - 16, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, khu dân cư Xóm Nghèo, khu tái định cư Sóng Thần và khu dân cư Đường Sắt (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An). Ngoài ra, đây còn là nơi tiếp nhận nước thải của 4 doanh nghiệp (sản xuất dây điện, chế biến gỗ, may mặc, cơ khí) và 14 cơ sở (may mặc, bao bì, gốm mỹ nghệ) thuộc địa bàn phường Tân Đông Hiệp và Dĩ An, thị xã Dĩ An với tổng lưu lượng khoảng 600m³/ngày.
Cần liên kết chặt chẽ hơn
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, qua số liệu quan trắc hàng tháng của tỉnh Bình Dương và TPHCM cho thấy, có 3 nguyên nhân gây ra mùi hôi là do nồng độ COD, BOD, H2S từ nước thải sinh hoạt gây ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, cho biết, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Bình Dương đã triển khai dự án nạo vét bùn và rác thải, cải tạo và xây dựng bờ kè, đường giao thông dọc theo kênh Ba Bò trên địa bàn tỉnh với chiều dài 3.016m; xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải Thuận An với công suất xử lý 17.000m³/ngày và hiện đang tổ chức thu gom, đấu nối nước thải của các hộ dân, đồng thời triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Dĩ An.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM lấy mẫu nước thải tại cống xả số 2 của tỉnh Bình Dương để phân tích chất lượng nước thải. Đây sẽ là cơ sở để thành phố làm việc với tỉnh Bình Dương nhằm tìm giải pháp khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò trong thời gian tới.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cũng đã phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ TNHH MTV và Công ty cổ phần Đại Nam tiến hành kiểm tra, xử lý đối với các doanh nghiệp trong KCN Sóng Thần 1 và KCN Sóng Thần 2 chưa đấu nối triệt để nước thải sinh hoạt hoặc chưa tách hoàn toàn hệ thống thoát nước mưa ra khỏi hệ thống thu gom nước thải.
Đến cuối năm 2013, các doanh nghiệp trong KCN Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 đã đấu nối hết nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, KCN Sóng Thần 1 và KCN Sóng Thần 2 đã đầu tư xây dựng, nâng cấp công suất xử lý cho các nhà máy xử lý nước thải tập trung để xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong KCN. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu Công ty cổ phần Nước - Môi trường tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống thu gom nước thải thuộc dự án Cải thiện chất lượng nước môi trường Nam Bình Dương để thu gom nước thải sinh hoạt của các khu dân cư trên địa bàn thị xã Thuận An thải vào kênh Ba Bò và đấu nối về nhà máy xử lý nước thải đô thị tại thị xã Thuận An để xử lý và Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ TNHH MTV đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho toàn khu công nghiệp Sóng Thần, hoàn thành và đưa vào vận hành trước tháng 9-2017.
Về phía TPHCM cũng đã thực hiện dự án xử lý ô nhiễm với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó có hạng mục hồ sinh học và các công trình phụ trợ khác. Thế nhưng, theo đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP, hệ thống hồ sinh học chỉ có thể đưa vào ứng dụng thực tế khi nước thải công nghiệp phải được tỉnh Bình Dương xử lý triệt để.
Trường hợp nước thải công nghiệp vẫn tồn tại ô nhiễm như hiện nay thì chủ đầu tư hồ sinh học buộc phải ngăn nước thải vào hồ và để chảy tràn trực tiếp ra kênh. Như vậy, hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm chất lượng nước tại kênh Ba Bò không cao.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc khảo sát, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các đơn vị liên quan cần sớm hoàn thành công trình xây dựng hồ điều tiết sinh học để xử lý nước thải ở đây. Mặt khác, nghiên cứu, nâng cấp hiệu quả xử lý nước thải sao cho đáp ứng yêu cầu chất lượng nước thải thực tế. Nhất thiết phải giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước kênh Ba Bò trước khi dẫn vào địa bàn quận Thủ Đức, TPHCM.