“Kẻ thua cuộc” lớn nhất ở Trung Đông

Quy mô tàn phá khủng khiếp của cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử Gaza đã khiến 2,4 triệu người dân Palestine phải đối mặt với những thách thức nghèo đói và tái thiết. Không ngoại lệ, nền kinh tế Israel cũng bên bờ vực suy thoái.

Hàng thập niên tái thiết cho Palestine

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Gaza đã giảm 86%, trong khi GDP của Bờ Tây có khả năng giảm 25% trong nửa đầu năm 2024 và nguy cơ suy thoái tiếp tục gia tăng.

IMF cũng cho biết đang theo dõi sát sao tình hình tại miền Nam Lebanon. Xung đột leo thang không những đã làm hư hại cơ sở hạ tầng vật chất của nước này, mà còn làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế và xã hội vốn đã mong manh.

G8B.jpg
Người dân Palestine tìm kiếm những người sống sót giữa đống đổ nát của một tòa nhà bị sập sau cuộc pháo kích của Israel vào tòa nhà liền kề, tại khu phố Sheikh Radwan ở TP Gaza vào ngày 23-9. Ảnh: TRENDS

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, có thể mất 80 năm để xây dựng lại khoảng 79.000 ngôi nhà bị phá hủy, phải cần đến 15 năm chỉ để dọn dẹp những đống đổ nát ở Gaza. Theo nhóm nghiên cứu PalThink for Strategic Studies có trụ sở tại Gaza, từ những bằng chứng cho thấy cách phản ứng chậm chạp đối với các cuộc xung đột ở Gaza trong quá khứ vào các năm 2008, 2009, 2012, 2014 và 2021, quá trình phục hồi sau cuộc chiến lần này sẽ khó mà suôn sẻ hơn.

Các chính quyền khu vực trước đây đã cam kết những khoản tiền lớn nhưng sau đó không giải ngân. Trong khi đó, lệnh phong tỏa Gaza của Israel, được áp đặt sau khi Hamas nắm quyền kiểm soát lãnh thổ này vào năm 2007, vẫn được duy trì chặt chẽ, hạn chế mạnh mẽ việc tiếp cận vật liệu xây dựng.

Từ những khó khăn có thật, Palestine Emerging - sáng kiến ​ đề xuất xây dựng một cảng trên một hòn đảo nhân tạo được tạo thành từ các mảnh vỡ chiến tranh, một trường đại học kỹ thuật để tái thiết và một hành lang giao thông Gaza - Bờ Tây, đã ra đời. Dự án cho việc tái thiết vùng lãnh thổ bị bao vây này được hy vọng giúp người dân Palestine vơi đi nỗi đau khổ, tránh trở nên cực đoan hóa.

Nguy cơ suy thoái của Israel

Trước ngày Hamas tấn công qua biên giới 7-10-2023, ở Israel đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối cải cách tư pháp gây tranh cãi của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, nền kinh tế Israel suy yếu.

Theo số liệu chính thức của IMF, Israel chứng kiến GDP giảm khoảng 20% trong quý 4-2023 sau khi xung đột bùng phát và chỉ mới phục hồi 14% trong 3 tháng đầu năm 2024, nhưng sau đó tăng trưởng trở nên chậm chạp trong quý 2 ở mức 0,7%. Ba cơ quan xếp hạng tín nhiệm chính đã hạ xếp hạng nợ của Israel.

Hai động lực tăng trưởng chính của Israel là công nghệ và vũ khí. Nhưng theo nhà kinh tế học Jacques Bendelac của Trường Đại học Hebrew ở Jerusalem, các động lực kinh tế còn lại là du lịch, xây dựng và nông nghiệp cũng đang lần lượt chết dần. Israel đã ngừng cấp giấy phép lao động cho người Palestine sau vụ tấn công ngày 7-10, tạo ra tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

Kav LaOved, một tổ chức bảo vệ quyền lao động của Israel, cho biết, trước chiến tranh, khoảng 100.000 giấy phép như vậy đã được cấp cho lao động trong các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và công nghiệp. Nhưng hiện nay, chỉ có 8.000 công nhân Palestine được miễn lệnh cấm nhập cảnh để làm việc tại các nhà máy được coi là thiết yếu.

Tại trung tâm kinh tế Tel Aviv, nhiều công trình xây dựng như các tòa nhà chọc trời, các dự án giao thông… đang xây dựng dang dở. Du lịch cũng giảm mạnh kể từ ngày 7-10 năm ngoái. Từ tháng 1 đến tháng 7, Israel đã đón 500.000 khách du lịch - chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm trước.

Các tổ chức nhân đạo ở Israel, Tổ chức Phi chính phủ Open Heart, cho biết kể từ khi xung đột bắt đầu, tổ chức này đã tăng gấp đôi hoạt động và hiện đã hỗ trợ gần 200.000 gia đình trên toàn quốc.

Trong danh sách những người thụ hưởng mới có cả người trẻ tuổi, những gia đình có chồng là quân nhân dự bị, nhiều người từng là nhà tài trợ và tất cả những người đã phải đi sơ tán. Gần đây, số người cần hỗ trợ tăng mạnh khi xung đột biên giới giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon - đồng minh Hamas leo thang.

Giáo sư Jacques Bendelac cảnh báo về khả năng suy thoái nếu giao tranh vẫn tiếp diễn. Theo ông, cuộc xung đột này càng kéo dài, sự khởi động lại sẽ càng chậm và khó khăn hơn. Trong 2 thập niên qua, Israel đã tăng trưởng nhờ tiêu dùng tín dụng và trong tình huống khủng hoảng hiện nay, nhiều gia đình không còn khả năng trả nợ.

Chi phí sinh hoạt cao kết hợp với suy thoái kinh tế, chắc chắn sẽ dẫn đến gia tăng nghèo đói, đe dọa cả các cộng đồng ở những khu vực cách xa cuộc xung đột chống lại Hamas.

Tin cùng chuyên mục