Lời kêu gọi này được hơn 300 chính trị gia, chuyên gia y tế và những người có tầm ảnh hưởng đưa ra trong bức thư ngỏ gửi Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn Gilead, ông Daniel O’Day, trong bối cảnh thế giới chỉ còn chưa đầy 6 năm để đạt được mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS.
Theo Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), thuốc điều trị HIV Lenacapavir được cấp phép sử dụng tại Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 2022. Lenacapavir được bán dưới tên thương hiệu Sunlenca, đã được chứng minh là làm giảm tải lượng virus ở những bệnh nhân HIV kháng đa thuốc (kháng các phương pháp điều trị khác). Thuốc này chỉ cần tiêm 2 lần/năm và đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân không thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao.
Bức thư ngỏ đã kêu gọi Tập đoàn dược phẩm Gilead của Mỹ cho phép các hãng dược phẩm khác trên thế giới sản xuất những phiên bản mới của thuốc điều trị HIV Lenacapavir với giá cả phải chăng, để đem lại cơ hội điều trị cho tất cả bệnh nhân vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi căn bệnh này ở các nước đang phát triển, đặc biệt là những người bị kỳ thị khi điều trị HIV, bao gồm phụ nữ trẻ, người thuộc cộng đồng LGBT, người hành nghề mại dâm và những người tiêm chích ma túy…
Tham gia ký bức thư có cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, cựu Tổng thống Milawi Joyce Banda, Giám đốc điều hành Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) Winnie Byanyima, cùng những người có tầm ảnh hưởng như nữ diễn viên người Mỹ Gillian Anderson… Họ nhấn mạnh, “thế giới vẫn nhớ lại một cách kinh hoàng và xấu hổ rằng phải mất 10 năm và 12 triệu sinh mạng trước khi phiên bản gốc” của loại thuốc kháng virus đầu tiên được cung cấp trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của UNAIDS, mỗi phút có 1 sinh mạng mất đi vì AIDS. 9,2 triệu người trên thế giới đang mang virus HIV nhưng không được tiếp cận việc điều trị. HIV tiếp tục tác động đến các nhóm đối tượng quan trọng nhiều hơn so với nhóm dân số nói chung. Lời kêu gọi trong bức thư cho rằng, nếu những người sống chung với căn bệnh AIDS trên thế giới (39 triệu người vào năm 2022) đều được tiếp cận thuốc Lenacapavir, thì khi đó mối đe dọa sức khỏe cộng đồng từ bệnh này mới có thể chấm dứt vào năm 2030.
Nhà khoa học người Pháp Francoise Barre-Sinoussi - người đồng phát hiện ra virus HIV - cho rằng “sự bất bình đẳng, chứ không phải khoa học, mới là rào cản lớn nhất trong việc chống lại bệnh AIDS”. Trong một tuyên bố thay mặt cho các nhà khoa học đã mở đường cho loại thuốc mới này, bà khẩn khoản: “Tôi cầu xin Gilead xóa bỏ phần lớn sự bất bình đẳng này và thực hiện một bước tiến lớn hướng tới việc chấm dứt đại dịch AIDS”.
Đáp lại thư ngỏ này, Gilead cho biết, tập đoàn đang trong quá trình đàm phán với chính phủ các nước và các tổ chức về cách thức mở rộng khả năng tiếp cận thuốc điều trị HIV. Những người ký tên trong bức thư cho rằng, thuốc Lenacapavir có thể là “kẻ thay đổi cuộc chơi thực sự” trong cuộc chiến chống HIV. Thế giới vẫn có thể chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, nhưng đại dịch nguy hiểm nhất thế giới chỉ có thể được ngăn chặn nếu nắm bắt được cơ hội. Và, sẽ có những người được nhớ đến như “những người đã ngăn chặn đại dịch nguy hiểm nhất thế giới”.