Kẻ lừa đảo đã nói gì để người phụ nữ lớn tuổi chuyển 32 lần với số tiền 15 tỷ đồng

Đối tượng nói căn cước công dân của bà P. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Nếu bà P. không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày tới sẽ bị bắt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Thông tin từ Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT cho biết, có trường hợp đối tượng giả danh công an lừa đảo một phụ nữ hơn 15 tỷ đồng. Hiện Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ việc này.

Trước đó, ngày 5-4, bà P. (sinh năm 1956, trú tại Hà Đông, Hà Nội) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng nói căn cước công dân của bà P. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Nếu bà P. không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày tới sẽ bị bắt.

Do lo sợ nên bà P. đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để xác minh. Bà P. đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền là 15 tỷ đồng. Sau đó, bà biết mình bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất, không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu, có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Điều đáng nói, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người cao tuổi để ra tay lừa đảo. Vì thế, để đối phó với các đối tượng lừa đảo qua điện thoại thì những người trong gia đình phải là người tiên phong tuyên truyền cho người cao tuổi để họ nhận biết và có ý thức cảnh giác, phòng tránh hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục