Việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thời gian qua đã được quy định khá rõ trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước. Chẳng hạn, Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất chi tiết việc kê khai và yêu cầu cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản hàng năm, nộp về cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Tuy nhiên, thời gian qua, thực tế có một bộ phận cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn giàu lên nhanh chóng trong khi tiền lương, phụ cấp khác của họ không tăng nhiều đã khiến dư luận băn khoăn, bàn tán. Hoài nghi tính chính xác bởi bản kê khai tài sản, thu nhập hàng năm của họ không khác trước đây là bao. Nhưng đến khi lộ ra một số vụ việc tiêu cực, bị kỷ luật, bị khởi tố điều tra, thì sự thật những khối tài sản khổng lồ, không rõ nguồn gốc cũng theo đó phơi bày.
Mới nhất là trường hợp cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, người đã bị kỷ luật vì vi phạm nghiêm trọng trong việc kê khai tài sản. Ông đã bị Viện KSND tối cao truy tố với tội danh nhận hối lộ 2 lần, tổng số tiền hơn 13,8 tỷ đồng và tội lợi dụng chức vụ để trục lợi, tổng số tiền hơn 22,1 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng thu giữ nhiều tài sản của ông Thọ, gồm 1 ô tô Mercedes, 3 bộ gậy golf hiệu Honma, 134 bản chính sổ tiết kiệm/thẻ tiết kiệm, 4 sổ đỏ, 9 điện thoại di động, 13 đồng hồ (các hãng Patek Philippe, Tissot, Speak-Marin...) và 97 miếng vàng.
Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Giang Hương bị cách chức Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), do không trung thực trong việc kê khai tài sản và giấu giếm nguồn gốc số tiền 171 tỷ đồng. Trước đó, trường hợp cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca bị phát hiện sở hữu lượng lớn tài sản đứng tên ông và người khác cho thấy sự che giấu và kê khai không trung thực vẫn đang tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ...
Từ những trường hợp bị phát hiện phần nào cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập hiện nay vẫn còn bất cập. Một phần do quy trình kiểm tra và giám sát chưa thực sự hiệu quả. Việc kiểm tra ngẫu nhiên 10% số người kê khai hàng năm là một biện pháp tiến bộ, nhưng chưa đủ để phát hiện hết những sai phạm tiềm ẩn.
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2024, cả nước đã có 470.395 người kê khai tài sản hàng năm cùng 43.782 người kê khai bổ sung. Đây là số lượng kê khai rất lớn, tuy nhiên số liệu xác minh tài sản, thu nhập chiếm tỷ lệ không cao. Như năm 2023, chỉ có 16.351 người được xác minh tài sản, thu nhập, trong đó chỉ có 19 trường hợp bị kết luận không trung thực trong việc kê khai tài sản và bị xử lý kỷ luật. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế; nhiều trường hợp sau khi cơ quan điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.
Vì vậy, để khắc phục những hạn chế này, nhiều chuyên gia cho rằng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn để phù hợp với thực tiễn. Trong đó, cần hoàn thiện khung pháp lý về kê khai tài sản, gồm việc sửa đổi và bổ sung Nghị định 130/2020/NĐ-CP để tạo ra những quy định rõ ràng hơn về xử lý các hành vi vi phạm trong kê khai. Việc bổ sung quy định về “tịch thu tài sản bất minh, không rõ nguồn gốc” là cần thiết để răn đe hiệu quả. Một giải pháp quan trọng khác là hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu này sẽ giúp hệ thống hóa thông tin về tài sản, từ đó hỗ trợ việc kiểm tra, đối chiếu và giám sát tài sản một cách chính xác, minh bạch. Hệ thống này cần được kết nối với các cơ sở dữ liệu về đất đai, bất động sản, ngân hàng và lĩnh vực liên quan khác, đảm bảo tính liên thông và kiểm soát tài sản chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, việc tăng cường sự tham gia của người dân trong giám sát kê khai tài sản là giải pháp hiệu quả. Người dân có quyền tố cáo, phát hiện những vi phạm trong việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Việc công khai hợp lý, tạo điều kiện để người dân giám sát giúp tăng tính minh bạch, tạo ra áp lực xã hội đối với cán bộ, công chức trong thực hiện kê khai, giải trình trung thực, rõ ràng nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm hàng năm.