Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh: Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 (thay thế Quy định 181-QĐ/TW năm 2013) của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã bổ sung 14 điều, nhằm cụ thể hóa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và nhiều quy định khác của Bộ Chính trị.
Không đôn đốc kê khai tài sản cũng bị khiển trách
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, các đảng viên thường không xem trọng việc kê khai lý lịch như kê khai không đầy đủ, không trung thực hoặc kê khai không kịp thời. Quy định 102 bổ sung hành vi không trung thực trong khai lý lịch, lịch sử bản thân, bổ sung lý lịch đảng viên và áp dụng hình thức kỷ luật bị khiển trách đối với các đảng viên vi phạm. Do vậy, các cấp ủy phải lưu ý để chấn chỉnh tình trạng này.
Cũng liên quan đến việc kê khai, hành vi kê khai tài sản và giải trình về biến động tài sản, nguồn gốc tài sản không trung thực thuộc biểu hiện thứ 3 suy thoái về đạo đức, lối sống trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Vì vậy, Quy định 102 bổ sung hình thức cảnh cáo hoặc cách chức đối với các đảng viên vi phạm khi kê khai tài sản. Ngoài ra, các đảng viên không chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc kê khai tài sản thuộc trách nhiệm được giao, hoặc không kê khai, kê khai tài sản không đúng quy định cũng sẽ bị khiển trách. “Đây là điểm rất mới”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Tại Hội nghị lần thứ 15, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X đã xem xét việc xử lý kỷ luật đảng viên thuộc diện Thành ủy quản lý. Ảnh: VIỆT DŨNG
Song, quy định mới giảm nhẹ mức kỷ luật đối với đảng viên có hành vi khai báo không trung thực, hợp thức hóa hồ sơ để được xét giao đất không đúng đối tượng, tiêu chuẩn; thông đồng, khai khống, nâng giá trị bồi thường không đúng thực tế để chiếm đoạt tiền của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, quy định cũ áp dụng hình thức khai trừ nhưng Quy định 102 chỉ kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách.
Quy định 102 còn bổ sung một số điểm mới về xử lý kỷ luật đảng viên có hành vi thiếu trung thực. Theo đó, đảng viên cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình để sử dụng trong việc tuyển dụng, đi học, thi nâng ngạch, bổ nhiệm, bầu cử hoặc các mục đích trái quy định, sẽ bị cảnh cáo hoặc cách chức. Tương tự, đảng viên chỉ đạo hoặc thông đồng với cấp dưới lập hồ sơ, chứng từ khống để chiếm đoạt tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân, sẽ bị cảnh cáo hoặc cách chức. Trường hợp đảng viên xác nhận không đúng để bản thân hoặc người khác hưởng các chính sách an sinh xã hội, chính sách ưu đãi với người có công, thì bị khiển trách. “Trong thực tế, có trường hợp cán bộ đảng viên đưa người thân vào diện xóa đói giảm nghèo dù gia đình khá giả. Do đó, Quy định 102 đã bổ sung quy định này”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu phân tích.
Cấp dưới vi phạm, cấp trên liên đới trách nhiệm
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu lưu ý, Quy định 102 có nhiều nội dung bổ sung nhằm cụ thể hóa một số quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên. Theo đó, cán bộ đảng viên buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách nhưng không chủ động phát hiện, xử lý sẽ bị khiển trách. Trường hợp cán bộ đảng viên lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che hoặc cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, sẽ bị khai trừ. Hành vi này thuộc biểu hiện thứ 7 suy thoái về đạo đức, lối sống nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Quy định 102 còn bổ sung một số hành vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Cụ thể, cán bộ đảng viên có trách nhiệm nhưng né tránh, không kiểm tra, xem xét, xử lý khi phát hiện đảng viên thuộc diện quản lý vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sẽ bị khiển trách. “Các đồng chí trong cấp ủy cần quan tâm đến vấn đề này”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh và lưu ý các cấp ủy cần kịp thời kiểm tra, nhắc nhở, uốn nắn các tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên thuộc diện quản lý khi phát hiện có vấn đề. Trường hợp có vi phạm thì phải xem xét xử lý, nếu không sẽ phải liên đới trách nhiệm.
Tương tự, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ, nếu cán bộ đảng viên thiếu trách nhiệm dẫn đến thực thi nhiệm vụ, công vụ không đúng quy trình, thủ tục, thời hạn quy định, gây hậu quả cho cá nhân, tổ chức, thì bị khiển trách. Trường hợp đảng viên trốn tránh trách nhiệm về những hậu quả do mình gây ra trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, sẽ bị cảnh cáo hoặc cách chức. Quy định 102 còn nâng mức độ xử lý kỷ luật từ khiển trách (theo Quy định 181) thành cảnh cáo hoặc cách chức đối với cán bộ đảng viên tạo điều kiện để bố mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề (thuộc lĩnh vực mình hoặc đơn vị mình trực tiếp phụ trách) trái quy định nhằm trục lợi.
Một số quy định mới cũng ràng buộc trách nhiệm của các cán bộ đảng viên đối với người thân trong gia đình. Chẳng hạn, Quy định 102 bổ sung hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội và áp dụng hình thức khiển trách. Cấp dưới phạm tội thì cán bộ đảng viên phụ trách trực tiếp sẽ bị liên đới trách nhiệm.
Cảnh cáo hoặc cách chức đảng viên để con sử dụng ma túy
Đối với các hành vi vi phạm về tệ nạn xã hội, Quy định 102 sửa đổi, bổ sung một số cụm từ để rõ nghĩa hơn. Cụ thể, đảng viên biết nhưng để bố, mẹ, vợ (chồng), con cùng sống trong gia đình tham gia đánh bạc, cho vay nặng lãi dưới mọi hình thức mà không có biện pháp ngăn chặn, hoặc không báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì sẽ bị kỷ luật khiển trách. Hình thức kỷ luật khiển trách cũng áp dụng đối với các đảng viên biết nhưng để bố, mẹ, vợ (chồng), con cùng sống trong gia đình sử dụng hoặc tàng trữ, lưu hành, mua bán, vận chuyển văn hóa phẩm có nội dung cấm, độc hại, mà không báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đặc biệt, quy định mới đã bổ sung hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) đối với các đảng viên biết nhưng để bố, mẹ, vợ (chồng), con cùng sống trong gia đình sử dụng, sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đặc biệt, quy định mới đã bổ sung hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) đối với các đảng viên biết nhưng để bố, mẹ, vợ (chồng), con cùng sống trong gia đình sử dụng, sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.